Theo phản ánh của 32 hộ dân thôn Trung, phường Quảng Thọ, năm 2001 những hộ dân này cho ông Lê Văn Khang (người cùng phường) nhận thầu với tổng diện tích khoảng 1,5 hecta, thời hạn nhận thầu 7 năm kể từ năm 2001 – 2007 với giá 50kg thóc/ sào/ năm. Từ khi hết hợp đồng, các hộ dân đã yêu cầu ông Khang trả lại đất, nhưng ông Khang không trả. Đến đầu năm 2017, 32 hộ dân “ngã ngửa” khi phát hiện ông Khang đã làm hợp đồng chuyển nhượng từ năm 2008 và giả chữ ký của các hộ dân. Diện tích đất mà 32 hộ dân cho ông Khang nhận thầu đã được UBND huyện Quảng Xương cấp quyền sử dụng đất cho chính ông Khang.
Anh Lê Văn Khuyến cho biết anh không biết chữ nhưng vẫn có chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng với ông Lê Văn Khang. |
Anh Lê Văn Khuyến bức xúc phản ánh với PV: Năm 2001, gia đình tôi có cho ông Lê Văn Khang nhận thầu một phần diện tích đất nông nghiệp với thời hạn 7 năm. Thế nhưng hết thời hạn ông Khang vẫn không trả lại đất cho gia đình tôi canh tác, sản xuất. Thời gian gần đây tôi cùng với 31 hộ khác đã phát hiện ông Khang làm giả hợp đồng chuyển nhượng, mạo chữ ký của chúng tôi nhằm hợp thức hóa diện tích đất đã thầu của người dân. Bản thân tôi không biết chữ, nhưng lại ký tên trong hợp đồng chuyển nhượng là điều hết sức vô lý. Hơn thế nữa tôi chưa bao giờ thỏa thuận hay ký bất kỳ một hợp đồng chuyển nhượng nào với ông Lê Văn Khang.
Tương tự, nhà anh Lê Văn Dũng cũng chỉ học hết lớp 2, bản thân không biết chữ, nhưng cũng lại ký tên vào giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Khang. Chị Nguyễn Thị Hà (vợ anh Dũng) cũng cho biết, chị không ký thay và không biết gì về việc hợp đồng chuyển nhượng trên.
Ông Lê Kim Thớ (SN 1947), đã chết tháng 01/2007 nhưng vẫn có chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng năm 2008. |
Nực cười nhất vẫn là trường hợp nhà ông Lê Kim Thớ (SN 1947), theo bà Trần Thị Dân (vợ ông Thớ), chồng bà đã chết từ tháng 1/2007 nhưng không hiểu vì sao năm 2008 ông ấy lại có thể ký vào hợp đồng chuyển nhượng đất cho ông Khang được???. Rõ ràng ông Khang đã tự soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng, rồi giả chữ ký của chồng tôi tôi nhằm chiếm đoạt 560m2 đã nhận thầu trước đó.
Nghịch lý, trong tất cả các hợp đồng chuyển nhượng của 32 hộ dân nói trên đều có lời chứng của ông Lê Duy Vinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ lúc bấy giờ. Làm hợp đồng chuyển nhượng đất, nhưng bên chuyển nhượng không có mặt, thế nhưng vị chủ tịch xã vẫn xác nhận tính pháp lý của hợp đồng. Và ở đây là 32 hợp đồng chuyển nhượng đất chứ không chỉ là một.
Trao đổi với PV, ông Lê Đình Son, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Thọ xác nhận việc 32 hộ dân trên đã chuyển nhượng đất cho ông Khang và có hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên. Ông Son cho rằng, mọi quy trình từ xác định nguồn gốc đất cho đến việc cấp quyền sử dụng đất là do huyện làm, xã không liên quan?
Ông Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Quảng Xương cho biết, huyện cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Khang là đúng. Theo quy trình, các hộ đã có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Khang và có xác nhận chứng thực của xã. Theo đó, căn cứ vào đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông khang... đủ cơ sở pháp lý cấp theo trình tự.
“Khi được hỏi về việc ông Lê Văn Khang làm giả hợp đồng chuyển nhượng, mạo chữ ký theo phản ánh của 32 hộ dân thôn Trung, xã Quảng Thọ. Ông Long cho biết phải có giám định chữ ký từ cơ quan chuyên môn mới kết luận được.
Việc 32 hộ dân thôn Trung, phường Quảng Thọ (trước là xã Quảng Thọ huyện Quảng Xương) TP Sầm Sơn vô cùng bức xúc trước hành vi lừa đảo của ông Lê Văn Khang nhằm chiếm đoạt đất. Các hộ dân mong muốn các ngành chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Lê Văn Khang, trả lại đất cho người dân canh tác, sản xuất.
Tác giả: Thanh Tâm
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường