Trong tỉnh

Thanh Hóa: Lâm tặc ngày đêm xẻ thịt rừng xanh Xuân Chinh

Khu rừng xã Xuân Chinh (Thanh Hóa) nhiều năm nay đã nổi tiếng với nạn lâm tặc. Tưởng rằng, sau khi Thủ tướng ban lệnh đóng cửa rừng toàn quốc, rừng xanh ở đây sẽ không còn "chảy máu" nhưng thực tế thì ngược lại…

Tình trạng phá rừng lại càng xảy ra rầm rộ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành lệnh đóng cửa rừng trên toàn quốc.

Theo chân người dẫn đường, chúng tôi tiến vào cánh rừng tự nhiên tại thôn Tú Tạo, Cụt Ạc. Người dẫn đường chỉ đưa chúng tôi đến cửa rừng vì sợ trả thù khi phát hiện. Theo hướng chỉ tay của người này, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào khu rừng tự nhiên tại thôn Tú Tạo.

Khi chúng tôi tiến vào trong khu rừng, cảnh tượng hiện ra trước mắt là la liệt cây gỗ bị đốn hạ. Nhiều cây gỗ có đường kính 70- 90cm, chiều dài gần 20m bị đốn hạ, thân gỗ đã được lấy đi, có những gốc cây cổ thụ nhựa còn đang chảy.

Nhiều cây gỗ lớn mới vừa bị lâm tặc đốn hạ tại thôn Tú Tạo.

Phát hiện có người lạ, nhóm lâm tặc vác cưa máy rút đi nơi khác. Theo quan sát, có lẽ “đại công trường” này đã được lâm tặc dựng lên sau trận mưa lũ diễn ra từ 10/10. Bên cạnh đó, có khoảng hơn 20 gốc cây cổ thụ đã bị đốn hạ, gỗ đã được chuyển đi, một số còn lại đang nằm tại chỗ.

Tiến sâu vào vùng lõi, nhiều cây gỗ quý có tuổi đời vài chục năm bị đốn hạ nằm trơ gốc, vết cưa còn mới tinh nhưng gỗ đã được lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng. Đa phần gỗ bị khai thác đều được lâm tặc tuyển chọn từ những cây gỗ quý, có giá trị kinh tế cao.

Nhiều cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc.

Gỗ sau khi khai thác được lâm tặc dùng trâu kéo, làm đường để vận chuyển ra điểm tập kết rồi dùng xe ô tô chở đến nơi tiêu thụ. Trong cánh rừng già, chi chít những con đường còn mới được lâm tặc tạo nên để kéo gỗ đến điểm tập kết.

Từ thôn Tú Tạo, chúng tôi tiếp tục tiến về cánh rừng ở thôn Cụt Ạc để ghi nhận tình trạng phá rừng tự nhiên ở đây. Vừa qua cây cầu Cứng, ghé vào quán nước đầu thôn, một người dân cho hay, mỗi tuần có 2 – 3 lượt xe vào để chở gỗ ra. Số gỗ này cũng mới được lâm tặc khai thác. Gỗ chủ yếu được khai thác tại các cánh rừng dọc suối Ván, giáp với xã Thanh Quân, huyện Như Xuân; vì những cánh rừng ở đây mới có nhiều gỗ quý, giá trị kinh tế cao. “Nếu tính một tháng thì có khoảng vài chục lượt xe vào chở gỗ rừng đi ra”, người này nói thêm.

Gỗ được lâm tặc kéo về tập kết tại suối Ván, thôn Cụt Ạc.

Gỗ được lâm tặc tập kết tại một khe suối ở thôn Cụt Ạc chờ vận chuyển ra ngoài.

Ngược dòng suối Ván, nhiều cây gỗ tròn được lâm tặc khai thác kéo để bên bờ suối. Ngoài ra, tại các khe suối, lâm tặc còn dìm gỗ xuống chỗ sâu để tránh bị phát hiện, chờ ngày vận chuyển.

Ông Phạm Xuân Chinh, Hạt phó hạt Kiểm lâm Thường Xuân (phụ trách địa bàn) cho hay, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 150 vụ phá rừng, chủ yếu xảy ra ở các xã trọng điểm như: Yên Nhân, Bát Mọt, Xuân Chinh, Xuân Lẹ.

Liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho hay: "Hiện tại chúng tôi đang tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn. Liên quan đến vấn đề quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn thì giao cho lực lượng kiểm lâm. Hiện tôi đang họp, có gì tôi sẽ thông tin lại sau".

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin!

Tác giả: Phạm Thọ

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: Xuân Chinh , lâm tặc , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok