Trong tỉnh

Lộ trình thực hiện dự án hơn 37 triệu USD tại Thanh Hóa

Đây dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nước tổng hợp và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các hộ dân khu vực nông thôn tại tỉnh Thanh Hóa, dự kiến thời gian thực hiện dự án từ 2023 – 2029...

Toàn cảnh làm việc giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với đoàn công tác Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế,


UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có buổi làm với đoàn công tác của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế về việc thiết kế Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nước tổng hợp và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các hộ dân khu vực nông thôn tại tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo của đoàn công tác của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế trình bày tại buổi làm việc, dự án trên có mục tiêu để phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững, bao trùm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, nhằm cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng tưới, tiêu, chống ngập úng để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Tăng cường năng lực của chính quyền và cộng đồng các cấp để chuyển đổi hệ thống nông nghiệp theo hướng bền vững, thông minh với khí hậu, chuỗi giá trị dựa trên thị trường kết nối nông dân với doanh nghiệp và thị trường.

Ông Sami Ouechtati, Trưởng đoàn thiết kế dự án Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế phát biểu tại buổi làm việc


Quy mô dự án này có 2 hợp phần, gồm: Hợp phần 1: Cải tạo, nâng cấp hạ tầng thủy lợi thứ cấp, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. (Trong đó, tiểu hợp phần 1 được thực hiện tại huyện Hà Trung và Tiểu hợp phần 2 được thực hiện tại huyện Hoằng Hóa). Hợp phần 2: Nâng cao năng lực cho chính quyền và cộng đồng nhằm chuyển đổi hệ thống nông nghiệp theo hướng bền vững, xây dựng chuỗi giá trị, kết nối nông dân với doanh nghiệp và thị trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang phát biểu tại buổi làm việc

Dự kiến, kết quả chính của dự án sẽ đảm bảo tiêu úng cho khoảng 2.150 ha diện tích đất tự nhiên huyện Hà Trung, góp phần giảm thiểu ngập úng đường Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Hà Trung. Đảm bảo cung cấp nước tưới cho khoảng 1.650 ha diện tích đất nông nghiệp của huyện Hà Trung. Giúp nâng cao năng suất cây trồng lên 120% so với hiện trạng năm 2021.

Đảm bảo phòng chống lũ bảo vệ tính mạng, tài sản của hơn 114.000 người dân với diện tích khoảng 4.406 ha huyện Hoằng Hóa. Tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng năng suất, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Đảm bảo ổn định công trình thuận lợi cho quá trình quản lý vận hành hệ thống góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước và lương thực. Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và các kết quả khác.

Dự kiến tổng mức, cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án là 37,04 triệu USD, khung thời gian thực hiện dự án từ 2023 – 2029.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đánh giá cao mục tiêu của dự án về khả năng nâng cấp hạ tầng thủy lợi, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại huyện Hà Trung cũng như nâng cao năng lực cho chính quyền và cộng đồng nhằm chuyển đổi hệ thống nông nghiệp theo hướng bền vững, xây dựng chuỗi giá trị, kết nối nông dân với doanh nghiệp và thị trường trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Thanh Hóa sẽ hết sức ủng hộ thực hiện dự án và đảm bảo nguồn vốn đối ứng của tỉnh cho dự án.

Ông Giang đề nghị thời gian thực hiện dự án nên rút ngắn xuống 5 năm thay vì 6 năm như báo cáo của đoàn công tác của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế đưa ra. Ngoài ra, về tình hình thực hiện dự án cũng như xây dựng kết cấu nguồn vốn cho dự án, đồng chí mong muốn phía Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế sớm hoàn tất nguồn vốn theo kế hoạch để sớm hiện thực hóa dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động phối hợp với đoàn công tác của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế cung cấp các thông tin cần thiết cũng như các thủ tục pháp lý liên quan cho việc thực hiện dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Sami Ouechtati, Trưởng đoàn thiết kế dự án Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế, cho biết đơn vị này sẽ huy động tối đa nguồn nhân vật lực để thực hiện dự án cũng như vận động hoàn tất các nguồn vốn khác của dự án.

Về đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện dự án xuống còn 5 năm, ông Sami Ouechtati cũng đồng thuận với đề xuất của tỉnh Thanh Hóa và cho biết sẽ báo cáo lại Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế để xem xét điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.

Tác giả: Nguyễn Thuấn

Nguồn tin: vneconomy.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok