Ống khói Công ty giày Aresa nhả khói đen đặc. |
Đây là KCN tập trung đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá, tuy nhiên sau nhiều năm đi vào hoạt động, tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là một vấn đề bất cập và chưa được khắc phục.
Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Mới đây, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh của một số hộ dân tại phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa về việc một số doanh nghiệp trong KCN Lễ Môn xả thải không đảm bảo tiêu chuẩn gây ảnh hưởng trầm trọng tới cuộc sống của bà con sống xung quanh KCN.
Cụ thể, theo phản ánh của bà Lê Thị Tựa (Khu phố 2 – Quảng Hưng – Thanh Hóa), gần đây, các doanh nghiệp trong KCN Lễ Môn hoạt động với công suất lớn hơn so với bình thường để bù lại khoảng thời gian nghỉ tết. Các cột khói kèm theo bụi và tiếng ồn cứ ngày đêm quấn lấy mấy chục hộ gia đình sống sát ngay KCN.
Nhìn về cột khói đang bốc cao ngút từ lò đốt của Công ty TNHH giày Aresa Việt Nam, bà Tựa bức xúc nói: “Người dân ở đây trẻ con thì viêm phổi, viêm xoang bệnh đường hô hấp, người lớn thì ho không thể chịu được. Đấy các chú xem một bên là bụi bặm, khói khét lẹt từ các ống khói, một bên là công ty thức ăn gia súc Phú Gia lúc nào cũng đầy mùi tanh hôi khó chịu. Ở đây có mười mấy hộ dân già, trẻ hầu như chỉ chờ ốm đau. Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền về sự việc trên thế nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Theo quan sát của phóng viên, hai nhà máy này nằm ngay sát cạnh người dân với khoảng cách chỉ chưa tới 50m. Mỗi khi lò đốt nhiên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất của Công ty giày Aresa Việt Nam “đỏ lửa” thì cả vùng trời quanh đó được nhuộm màu đen đặc. Khói đen, đặc, mùi gây ra khó chịu nhất là vào ban đêm.
Bên cạnh sự ô nhiễm từ cột khói của công ty giày là mùi hôi nồng nặc đặc trưng bốc lên từ nhà máy của Công ty cổ phần Nông sản Phú Gia chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi. Những khi thời tiết thay đổi, mùi hôi từ nhà máy này gây ra cảm giác khó chịu, buồn nôn cho bà con nơi đây.
Một doanh nghiệp khác trong KCN Lễ Môn phát sinh vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng khác là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Vicenza là doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch ốp lát. Việc các xe tải chở vật liệu, thành phẩm ra vào nhà máy này gây ra bụi, bẩn cho người dân xung quanh. Cùng với đó, bãi tập kết nguyên liệu đất dùng cho sản xuất gạch của công ty này để ngay khu dân cư, mỗi khi trời mưa thì đường sá trở lên lầy lội, trơn trượt, nhưng hễ trời nắng thì bụi bặm bám kín người dân nơi đây.
Chính quyền cần “mạnh tay” trong công tác xử lý
Trước những ý kiến của người dân khu phố 2, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Khắc Chương – Chủ tịch UBND phường Quảng Hưng. Ông Chương cho biết: “Người dân địa phương cũng đã kiến nghị rất nhiều lần lên UBND về vấn đề này. Nhưng với chức năng cũng như thẩm quyền của cấp phường chúng tôi chỉ biết tiếp nhận cũng như có ý kiến đề xuất lên cấp trên để có hướng xử lý”.
Trước tình trạng vận chuyển nguyên vật liệu ra vào nhà máy Công ty Vicenza làm tăng lượng bụi phát sinh ra môi trường, cũng như việc các xe chở đất này không che đậy theo quy chuẩn khiến đất đá rơi xuống đường, ông Chương cho biết đã đề nghị công an phường, công an thành phố xem xét xử lý. Cùng với đó phường cũng kiến nghị Công ty Vicenza thực hiện các biện pháp khắc phục như tăng cường công tác vệ sinh, thu gom đất thải, che chắn cách ly các khu vực đang xây dựng giáp ranh với khu dân cư, tăng tần suất phun nước quét dọn trên các tuyến đường vận chuyển…
Để làm rõ vấn đề nghi ngại của bà con về sự an toàn của khí thải, xả thải của một số nhà máy trong KCN Lễ Môn, phóng viên có buổi làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Thanh Hóa. Trước các bức xúc của người dân, ông Lê Minh Tuấn – Phó phòng TN&MT cho biết: “Trước kiến nghị của bà con, mới đây ngày 14/3/2018, Sở TN&MT tỉnh đã cùng các phòng ban chuyên môn, trong đó có Phòng TN&MT thành phố đến làm việc với Công ty Vicenza. Qua kiểm tra sơ bộ, kiến nghị của bà con về việc gây ô nhiễm môi trường do bụi, khí thải do các nhà máy trong KCN gây ra là có cơ sở. Đoàn kiểm tra cũng đã thu thập mẫu chất thải để kiểm tra. Sau khi có kết quả kiểm tra sẽ thông báo tới cử tri và báo cáo UBND tỉnh để có phương pháp xử lý”.
Đồng cảm với bức xúc của bà con, ông Tuấn cũng cho biết: “Khi anh em chúng tôi vào kiểm tra tại khu vực sản xuất của nhà máy, chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ thôi nhưng đã thấy rất khó chịu và ngột ngạt. Tuy nhiên, đó là cảm giác trực quan. Còn để đánh giá chính xác thì cần phải chờ cơ quan chức năng đo và kiểm tra mẫu mới có thể kết luận được mức độ ô nhiễm”.
Cũng theo đại diện Phòng TN&MT thành phố Thanh Hóa, Ban quản lý khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các KCN (BQL Nghi Sơn) là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý công tác bảo vệ môi trường trong các KKT và KCN. Về phía Phòng TN&MT thành phố Thanh Hóa chỉ có chức năng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, BQL KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa, Sở Công Thương hoặc Công an tỉnh trong việc: xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động của chủ đầu tư hạ tầng KKT, KCN và doanh nghiệp thứ cấp trong KKT, KCN khi được yêu cầu.
Theo quy chế này, thẩm quyền về việc xử lý lại của BQL Nghi Sơn, Sở TN&MT tỉnh và UBND tỉnh, thế nên tuy Phòng TN&MT thành phố rất muốn bảo vệ người dân nhưng cũng không thể làm sai quy định được. Do vậy, trước các kiến nghị của người dân, do Phòng TN&MT thành phố không có chức năng chủ trì nên cũng đã đề xuất đến Sở TN&MT tỉnh và BQL Nghi Sơn xem xét và xử lý. Trong vài ngày tới, khi có kết quả phân tích mẫu xét nghiệm, nếu như các chỉ số không đảm bảo ngưỡng an toàn, chính quyền địa phương sẽ có biện pháp yêu cầu các nhà máy trong KCN vi phạm có biện pháp khắc phục, cũng như sẽ tiến hành xử phạt theo quy định một cách nghiêm túc.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Tác giả: S.Nguyễn – T. Anh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam