Chị và gia đình chồng không dạt dào tình cảm nhưng cũng không khách sáo lạnh nhạt. Đặc biệt, giữa chị và chị dâu của chồng nói chuyện khá hợp, không ở cùng cũng chẳng có hiềm tị.
Vậy nên chị nghĩ, anh chị cho cháu lên chơi vài ngày nhân dịp nghỉ hè thì cũng như lúc chị về quê chồng thôi, anh em một nhà không cần khách sáo. Có anh chị và các cháu lên thì mâm cơm tươm tất hơn, buổi tối mời anh chị và các cháu đi chơi “giải ngố”.
Chị thấy mệt mỏi vì tính cầu kỳ, kiểu cách và sang quá mức sống thông thường của chồng. Ảnh minh họa |
Nhưng vừa nghe anh chị lên, chồng đã “chat” qua face với vợ: “Anh sẽ thuê taxi ra đón, còn em xin về sớm một chút, đi chợ cho tươm nhé. Thằng Đót thích ăn sườn rán và canh cua. Con bé Mi thì thích mực luộc chấm mắm gừng. Chị Nam rất thích ăn nem chua kèm lá sắn. Còn anh Tùng ăn gì cũng được nhưng nhớ bia Heiniken nhá. Hoa quả nhớ mua mấy loại ngon ngon, ở cửa hàng organic ấy, chị Nam ở tỉnh nhưng sành lắm. À nhớ có thêm hoa tươi”.
Chị phải xin về sớm, vì về muộn thì khó mua được sườn ngon. Đứng đợi làm cua cũng lâu lắm. Chọn nem lá sắn thì phải đi xa. Mua hoa quả organic lại phải chạy thêm vài cây số nữa. Lần trước, vì chị không thể chiều tính từng người, nên chỉ làm thêm chút đồ ăn so với thông thường, thế là cả nhà phải đợi anh thêm cả tiếng đồng hồ.
Lúc trở về, anh mang về vô số đồ ăn, mà chị tính sơ qua cũng phải đôi triệu bạc. Không những tốn kém, lại sợ anh chị nghĩ “em dâu không chu đáo nên em trai mới phải thế”.
Có lần, chú thím chị lên chơi, anh cũng dặn chị mua đủ thứ, lúc về không thấy như ý, anh lại chạy đi mua thêm. Chị nghĩ, “người nhà chồng thì mình phải cố, chứ người nhà mình thì do mình quyết”. Nào ngờ, anh giận dỗi mãi: “Em làm thế thì khác gì anh chỉ trọng bên nhà nội, không trọng người nhà vợ”.
Thế nên lần này, chị “khổ trước” cho êm chuyện. Vậy mà sáng hôm sau, khi còn rất sớm, anh đã đánh thức chị dậy rủ vợ xuống mua bắp bò, cá tầm để “lúc mình đi làm, anh chị có đồ nấu ăn, không phải đi chợ nữa”.
Chị không đi thì lúc anh trở về đã mua 2 cái bắp bò, nửa cân sườn sụn, 3 cân cá tầm. Đã thế, buổi tối, anh còn lên lịch đưa anh chị đi nhà hàng khách sạn năm sao.
Anh không chỉ chu đáo với nhà chồng, mà đón tiếp anh em bên vợ hay bất cứ ai thì anh cũng thích chu đáo và sang trọng như thế. Chị hiểu anh tôn trọng và muốn mọi người vui lòng nhưng có nhất thiết phải cầu kỳ, kiểu cách và sang quá mức sống thông thường của gia đình mình không?!
Mỗi khi mời hàng xóm sang ăn uống, sang sinh nhật con, anh cũng đề nghị chị mua toàn đồ sang chảnh. Mỗi lần về quê thăm ai, anh cũng cầu kỳ tốn kém. Không chỉ khiến chị cảm thấy khó xử với “ví tiền” mà còn rất vất vả. Chị biết nhiều người ngại sang nhà chị bởi “anh chị ấy sang trọng quá, mình theo không kịp.
Mình sang nhà họ như thế, khi họ sang lại nhà mình, lẽ nào mình cũng cứ xuề xòa, ngại lắm”. Mà đã sang chảnh lúc đầu rồi thì lúc sau khó “xuống thấp” vì như thế khác gì tình cảm nhạt dần hoặc “khúc đầu ngọt ngào chỉ là cố lấy lòng”.
...Nên chị thấy mệt mỏi, tốn kém, lãng phí, lại không chắc tạo được sự thoải mái cho phía người nhận. Đã nhiều lần chị đưa ý kiến nhưng anh lại trách chị ích kỷ, sống với nhau mấy lần mà so đo tính toán. Chị không làm thì anh sẽ săm sắn làm chứ anh không phải dạng nói miệng.
Nhưng phải tìm cách để anh thấy được sự không thoải mái của những người nhận, như thế sẽ hiệu quả hơn, để kéo anh về “sang đúng mức”, “sang đúng ví tiền của mình”. Và đó cũng là cách giữ vững, ổn định gia đình nhỏ của chị.
Tác giả: Như Bình
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam