Nhà ở xã hội tại phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) do Tổng Công ty CP Hợp Lực đầu tư xây dựng. |
Theo NĐ 100, quy định đối tượng được vay vốn của NHCSXH để làm nhà ở là những người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân, quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật. Lãi suất vay ưu đãi 4,8%/năm, khách hàng được vay mức tối đa 80% giá trị hợp đồng đối với mua nhà ở xã hội; 70% giá trị dự toán đối với xây mới, cải tạo nhà để ở; thời gian vay từ 15-25 năm... Với các ưu đãi này, rất nhiều người hy vọng được tiếp cận với nguồn vốn, nhưng khi biết các thủ tục, điều kiện đi kèm, thì đã tỏ ra khá thất vọng, từ bỏ luôn ý định xin vay, bởi họ cho rằng, nhiều thủ tục quá khắt khe, gây khó khăn và đội chi phí cho người vay.
Để được vay nguồn vốn này, người vay phải đáp ứng các điều kiện: Có tối thiểu 20% giá trị hợp đồng mua bán/hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội đối với vay vốn để mua/thuê mua nhà ở xã hội; có tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định; có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với NHCSXH; chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội tại ngân hàng khác hoặc các tổ chức tín dụng khác. Với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội phải có hợp đồng hợp pháp với chủ đầu tư dự án. Trường hợp vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất nơi đăng ký thường trú do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đất đai; có thiết kế, dự toán hoặc phương án tính toán giá thành theo quy định của pháp luật về xây dựng và có hóa đơn giá trị gia tăng chứng minh việc mua các thiết bị, vật tư...
Thoạt nghe, các thủ tục, điều kiện để được vay không quá khó khăn, phức tạp, nhưng trên thực tế, khi triển khai thực hiện thì rất nhiều người bị vướng mắc, khó khăn trong việc tháo gỡ. Chị Hà Thị Yến, công tác tại Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa, chia sẻ: Khi biết được nguồn vốn ưu đãi theo NĐ 100 sắp được triển khai, vợ chồng tôi đã đến NHCSXH Thanh Hóa tìm hiểu. Mặc dù tất cả các thủ tục theo quy định, tôi đều đáp ứng đủ nhưng do phải thực hiện nhiều thủ tục (từ việc xin xác nhận của cơ quan để chứng minh về điều kiện thu nhập, chứng minh điều kiện cư trú, đến việc họp bình xét, xin xác nhận của tổ dân phố và UBND phường, rồi cả lập hồ sơ dự toán, thuê thiết kế, xin cấp phép xây dựng...) nên phải sau gần 2 tháng, với sự giúp đỡ rất nhiệt tình của cán bộ NHCSXH Thanh Hóa, tôi mới hoàn thiện được hồ sơ vay vốn. Là công chức Nhà nước, tôi hiểu các thủ tục này là để bảo đảm tính chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng, tránh rủi ro, nhưng tôi cho rằng, có nhiều thủ tục đang khiến người vay gặp khó, nhất là việc phải cung cấp được cho cán bộ ngân hàng hóa đơn giá trị gia tăng. Trên thực tế, không phải vật tư, thiết bị nào khi mua, người bán hàng cũng cung cấp được hóa đơn, như gạch, cát... Còn với các vật tư khác như xi măng, sắt thép..., muốn lấy hóa đơn thì người mua phải chịu thêm từ 5-10% tiền thuế (tùy mặt hàng). Điều này đồng nghĩa với việc chi phí xây dựng ngôi nhà bị đội lên khá nhiều.
Chị Nguyễn Thị Giang, thị trấn Quán Lào (Yên Định), chia sẻ: Qua tìm hiểu và tính toán, để đáp ứng được các yêu cầu mà NHCSXH đưa ra, trung bình mỗi ngôi nhà có dự toán 300-400 triệu đồng sẽ chi phí thêm khoảng 25-35 triệu đồng so với thông thường. Số tiền này bao gồm việc mua thiết kế và hóa đơn giá trị gia tăng... Cùng với đó là công sức, thời gian đi lại để làm các thủ tục có liên quan. Trong khi đó, với cách định giá đất tại huyện khá thấp như hiện nay, thì số tiền để được vay tại ngân hàng sẽ không nhiều. Vì thế, tiếng là được vay lãi suất ưu đãi nhưng nếu tính chi li, thì số chi phí phải bỏ ra chẳng thấp hơn nhiều so với vay vốn từ các ngân hàng thương mại là bao.
Nguyên nhân của việc giải ngân chậm còn do trong quá trình triển khai thực hiện, NHCSXH gặp một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Đó là, một số hộ tại vùng nông thôn có nhu cầu vay để xây, cải tạo nhà ở nhưng giấy tờ đất không đủ điều kiện vay (chưa chuyển đổi sang đất thổ cư), một số hộ cha mẹ cho con đất để xây dựng nhà ở nhưng không chuyển quyền sở hữu... Một số hộ vay thuộc địa bàn nông thôn khi xây dựng không có thiết kế, dự toán được phê duyệt nên thiếu căn cứ để phê duyệt mức đầu tư. Theo quy định cho vay vốn nhà ở xã hội, đối với xây, cải tạo nhà ở để ở, địa chỉ hộ khẩu thường trú đồng thời là địa chỉ ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng hiện có tình trạng địa chỉ hộ khẩu thường trú của người có nhu cầu vay không đồng thời là địa chỉ ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hiện nay, toàn tỉnh có 18 dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều dự án nhà ở xã hội đã được chủ đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng nên không thể ký hợp đồng 3 bên (về quản lý và xử lý tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay) giữa NHCSXH, chủ đầu tư/bên bán, cho thuê mua nhà ở xã hội và bên mua/thuê mua nhà ở xã hội. Với những dự án đã thế chấp, nếu chủ đầu tư không trả hết nợ vay hoặc không giải ngân một phần tài sản để có thể ký hợp đồng 3 bên thì NHCSXH không thể cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội vay vốn ưu đãi. Từ những thực tế này rất cần được Chính phủ và NHCSXH Trung ương quan tâm tháo gỡ, để mục đích, ý nghĩa nhân văn mà NĐ 100 hướng tới đạt được những kết quả như mong muốn, mà vẫn bảo đảm được độ an toàn của nguồn vốn.
Tác giả: Minh Hà
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử