Trong tỉnh

Hồi sinh vùng đất chết ở miền Tây xứ Thanh

Sau trận đại hồng thủy cách đây 3 năm, một số bản làng ở miền núi Thanh Hóa gần như bị xóa sổ người dân mất nhà cửa, mất người thân. Dấu tích đau thương vẫn còn trong ký ức, nhưng mầm xanh hy vọng đã bén rễ, đâm chồi ở huyện Quan Sơn, Mường Lát, người dân vượt lên khó khăn để xây dựng cuộc sống mới.

Đau thương ghim sâu vào ký ức

Những ngày đầu đông năm 2022, chúng tôi có dịp trở lại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Đã 3 năm kể từ thời điểm trận lũ kinh hoàng xảy ra năm 2019 tàn phá bản làng, cuốn trôi đi tất cả những gì vốn có của bgôi làng cách trung tâm Tp.Thanh Hóa gần 200km. Nhưng lần trở lại này, chúng tôi đã cảm nhận được sức sống mới đang ngập tràn trên mảnh đất từng trải qua thương đau này.


Anh Hà Văn Vân, người đã mất cả gia đình trong trận lũ dữ, thắp hương tại bia tưởng niệm các nạn nhân mất vì thiên tai

Những người dân Sa Ná có lẽ chẳng bao giờ quên được, vào một đêm tháng 8/2019, cơn đại hồng thủy từ đâu ào ào ập tới, không ai kịp trở tay, cuốn phăng bản làng vốn bình yên bên dòng suối Son đã bao đời nay. Trong cơn lũ dữ, chỉ còn những tiếng gào thét kêu cứu, hô hoán nhau tìm đường tháo chạy.

"Cả đời tôi chưa từng chứng kiến cơn lũ nào ập về nhanh và sức tàn phá khủng khiếp đến vậy. Đến giờ, có những đêm tôi vẫn giật mình thức giấc vì mơ thấy mình chới với giữa dòng nước lũ”, ông Ngân Văn Kẻm, Trưởng bản Sa Ná chia sẻ.

Hình ảnh tang thương 3 năm trước hoàn toàn trái ngược với hiện tại

Thời điểm đó, ngay khi có thông tin về trận lũ, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận hiện trường để đưa tin. Lúc này, đường sá, cầu cống vào bản Sa Ná đều bị lũ cuốn phăng đi hết. Trước mắt chúng tôi là cảnh đổ nát, hoang tàn như vừa trải qua ngày tận thế. Những ngôi nhà sàn đẹp đẽ lúc trước bị đổ sập, vùi lấp bởi đất đá, những người còn sống sót gào khóc ai oán, đào bới khắp nơi trong những đống đổ nát để tìm người thân trong vô vọng… 24 ngôi nhà trong bản bị đổ sập, 10 người chết, mất tích. Xót xa hơn cả, có gia đình 6 người thì chỉ còn duy nhất 1 người sống sót bởi đang đi làm ăn xa.

Trong cơn hoạn nạn ấy, người dân Sa Ná cảm nhận được tình cảm của người dân cả nước chia sẻ, đồng hành. Hàng ngàn chuyến xe cứu trợ từ các nhà hảo tâm trên cả nước đã tấp nập đến Sa Ná để chia sẻ, hỗ trợ tinh thần và vật chất cho các nạn nhân của thiên tai.

Một Sa Ná mới căng tràn sức sống

Sau 3 năm, Sa Ná đã “thay da đổi thịt”, con đường bê tông 3km nối từ đường quốc lộ 217 vào đến bản giúp bà con đi lại dễ dàng, cây cầu kiên cố thay cho cầu tạm bắc qua sông Luồng cũng được xây dựng, không còn lo bị cô lập mỗi khi mùa mưa lũ đến. Người dân được di dời đến khu tái định cư trên đỉnh đồi Pom Ngồ cách bản cũ chừng hơn 1km, đó là một khu đất bằng phẳng được bao bọc bởi núi non hùng vĩ và phong cảnh hữu tình.

Toàn cảnh bản tái định cư Sa Ná, sức sống mới đang ngập tràn

Tại đây, 51 ngôi nhà kiên cố, khang trang được xây dựng từ ngân sách hỗ trợ của Nhà nước và hỗ trợ của các nhà hảo tâm. 9 ngôi nhà cấp bốn và 32 căn nhà sàn truyền thống mới được dựng lên bên cạnh hai điểm trường mầm non, tiểu học và nhà văn hóa cộng đồng.

Nhìn Sa Ná giờ đây đẹp như một bức tranh in giữa mây trời, bao quanh là núi đồi, ruộng nương xanh ngút ngàn, tất cả đều căng tràn sức sống, ký ức đau thương dường như đã lùi xa. "Cuộc sống bà con dân bản có nhiều đổi thay, kinh tế khấm khá hơn trước, chúng tôi rất vui mừng", ông Ngân Văn Kẻm, Trưởng bản Sa Ná nói.

Gặp lại anh Hà Văn Vân (32 tuổi), giờ đây trông anh khỏe mạnh và hạnh phúc, thật mừng cho anh. Thiên tai đã cướp mất cả gia đình gồm bố, mẹ, vợ và 2 người con nhỏ. Riêng anh may mắn còn sống sót vì đi làm ăn xa. Gặp anh thời điểm lúc bấy giờ, người đàn ông với đôi mắt thất thần, tinh thần không tỉnh táo vì nỗi đau quá lớn. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và các nhà hảo tâm, anh đã có một ngôi nhà mới, sau khi nỗi đau qua đi, anh cũng đã lập gia đình và xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất Sa Ná.

Trưởng bản Sa Ná nhớ lại: “Chỉ sau một ngày lũ quét, đoàn cán bộ của Đảng, Nhà nước đã lội bộ vào Sa Ná, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bà con đến tận gần 13h. Việc làm ấy đã khiến đồng bào ấm lòng hơn khi thấy Đảng, Nhà nước quan tâm, chia sẻ giúp đỡ người dân kịp thời trong cơn nguy khó”.

Ông Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho biết, hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông, cầu cứng, cầu tràn, hệ thống điện, trường học… trên địa bàn được quan tâm đầu tư. Hệ thống mương đập, đất nông nghiệp ảnh hưởng bởi trận lũ được khôi phục, cuộc sống của người dân Sa Ná đổi thay từng ngày.

Bà Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn chia sẻ, thời điểm đó, sau khi lũ đi qua, các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đều lo cho người dân Sa Ná có nơi ở, công ăn, việc làm, ổn định cuộc sống. Hồi tháng 6/2020, bản Sa Ná đã được công nhận là bản nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của xã. “Giờ đây, người dân ở Sa Ná đã hồi sinh sau thiên tai, nhưng thực tế bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, huyện Quan Sơn vẫn đang dành nhiều nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ người dân bằng các chính sách thiết thực, giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững”, bà Hạnh nói.

Tác giả: LƯƠNG DIỄN

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok