Vừa qua, UBND huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã có văn bản giao các ngành chức năng tổng hợp, rà soát lại việc chi trả phụ cấp đứng lớp đối với giáo viên hợp đồng trên địa bàn. Trước thông tin này, nhiều giáo viên băn khoăn lo lắng vì mức lương nhận hàng tháng đã thấp nay còn bị cắt phụ cấp và truy thu lại số tiền đứng lớp đã nhận là điều vô cùng khó khăn cho các giáo viên thời điểm hiện tại.
Đại diện UBND huyện Krông Ana (Đắk Lắk) trao đổi với PV về vụ việc. |
Theo nhiều giáo viên, họ được được ký “hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế” từ 5-7 năm nay nhưng mãi không được thi, xét tuyển vào biên chế. Lương giáo viên hợp đồng được trả thấp, ngoài ra các giáo viên này còn được hưởng phụ cấp từ 35 - 50% lương nên có điều kiện để tiếp tục đứng lớp. Tuy nhiên, trước “hung tin” sẽ bị cắt khoản tiền này nhiều giáo viên không biết phải xoay sở ra sao để đủ chi tiêu.
“Tôi đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về nhà, lương được hưởng 2 triệu đồng, cả phần phụ cấp là gần 4 triệu đồng. Số tiền này tôi trang trải cuộc sống, nuôi cả 2 con nhỏ mà nay còn cắt không cho hưởng nữa thì chúng tôi phải làm thế nào để sống được” - một giáo viên mầm non chua chát nói.
Bên cạnh đó, nhiều giáo viên còn hoang mang trước tin sẽ bị truy thu lại toàn bộ số tiền phụ cấp đã được chi trả nhiều năm nay.
“Nghe kế toán nhà trường thông báo tôi có thể bị truy thu 25 triệu đồng tiền phụ cấp đã nhận và bị cắt toàn bộ tiền trợ cấp bắt đầu từ tháng 7/2018. Nghe thông tin tôi bàng hoàng mà không biết xoay sở đâu ra để trang trải cuộc sống huống chi là phải trả lại số tiền đó”- một nữ giáo viên hợp đồng tại thị trấn Buôn Trấp bức xúc.
Trao đổi với PV, ông Võ Trung Dũng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Ana cho biết, UBND huyện đã họp và giao cho các ban, ngành rà soát việc chi trả phụ cấp đứng lớp cho các giáo viên hợp đồng xem đã đúng quy định, đúng đối tượng chưa. “Đến nay chưa có kết luận là có tiếp tục chi trả hay truy thu tiền đã trả cho giáo viên” - ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, nhận được thông tin trên nhiều giáo viên đã rất băn khoăn, lo lắng có ý kiến gửi đến Phòng GD-ĐT. Ông Dũng cũng cho rằng, mức lương của các giáo viên hợp đồng là rất thấp, việc được hưởng phụ cấp đã giúp họ có điều kiện bám trụ với nghề.
“Theo cá nhân tôi, việc rà soát việc nhận phụ cấp đã đúng đối tượng hay không là điều nên làm. Tuy nhiên, nếu có việc truy thu thì chỉ nên truy thu từ năm 2018 mà thôi, không nên truy thu những năm trước vì các giáo viên thực sự rất khó khăn” - ông Dũng bày tỏ quan điểm.
Trước lo lắng của nhiều giáo viên hợp đồng khi họ được tuyển dụng lâu năm nhưng vẫn không được tuyển dụng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, vừa qua Sở Nội vụ đã họp để thẩm định đề án vị trí việc làm và ngành có việc thừa thiếu cục bộ (một số một số vị trí thừa, một số vị trí thiếu) và hiện vẫn đang được xem xét để tuyển dụng.
Được biết, huyện Krông Ana có 33 trương học với 1.514 người, trong đó có 1.193 biên chế và 321 giáo viên, nhân viên hợp đồng (261 hợp đồng với huyện, 60 hợp đồng 68). Theo đề án vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục công lập huyện Krông Ana sẽ có 1.545 vị trí (THCS 441, tiểu học 679 và mầm non là 425).
Ông Nguyễn Dương Hường - Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện Krông Ana cho rằng việc rà soát là để chuẩn bị cho đề án vị trí việc làm trong ngành giáo dục của huyện đang được cấp trên thẩm định. “Việc này cũng giúp tự chủ về biên chế, tài chính trong các đơn vị công lập theo quy định. Khi tỉnh phê duyệt đề án vị trí việc làm thì huyện mới có thể giao tự chủ tài chính, biên chế về các trường”, ông Hường cho hay.
Liên quan đến việc chi trả tiền phụ cấp đứng lớp, tiền thu hút theo Nghị định 116 của Chính phủ cho các giáo viên, vừa qua Huyện ủy, UBND huyện Krông Ana đã nhận được những đơn tố cáo nạc danh về việc đã lập khống danh sách để chi trả sai số tiền này. Theo một nguồn tin cho biết, hiện Ủy ban kiểm tra huyện ủy và Thanh tra huyện Krông Ana đang vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin này.
Tác giả: Thúy Diễm
Nguồn tin: Báo Dân trí