Trong tỉnh

Giữ nguyên hiện trạng Thành Nhà Hồ bị sạt lở tường thành

Đó là chỉ đạo của Cục văn hóa di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) liên quan đến sự cố tường thành của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ bị sạt lở do ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa qua.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục văn hóa di sản, Bộ VH-TT&DL đã có công văn về việc khắc phục tình trạng sạt lở Thành Nhà Hồ sau cơn bão số 10.

Biện pháo trước mắt là căng dây, đặt biển cảnh báo, cử cán bộ trực gác tại khu vực tường thành bị sạt lở, trượt đổ để đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách.

Theo Cục Di sản văn hóa, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, một đoạn tường thành phía Đông Bắc, cách cổng Bắc khoảng 200 mét của Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đang sạt lở. Đoạn sạt lở dài nhất khoảng 7m, với 54 khối đá, ước tính khoảng 20m3, một số đoạn Thành còn bị xô nghiêng ra phía ngoài…

Trước thực trạng trên, Cục Di sản văn hóa đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ khẩn trương triển khai công tác bảo vệ, gia cố giữ nguyên hiện trạng, trên cơ sở đó xây dựng phương án tu bổ cấp thiết trình Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Bộ VH-TT&DL xem xét, quyết định.

Vị trí sạt lở nằm trong đoạn tường thành đã được gia cố từ những năm 1960

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở VH-TT&DL Thanh Hóa đã khẩn trương kiểm tra tình hình thực tế, chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ có biện pháp xử lý trước mắt là căng dây, đặt biển cảnh báo, cử cán bộ trực gác tại khu vực tường thành bị sạt lở, trượt đổ để đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách.

Sở VH-TT&DL cũng đã mời các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương tham gia khảo sát hiện trạng di sản và hội nghị xin ý kiến để làm cơ sở đề xuất biện pháp khắc phục, xử lý, báo các cấp có thẩm quyền.

Một đoạn tường thành phía Đông Bắc còn nguyên vẹn

Từ đó, Sở VH-TT&DL đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất chủ trương, giao Sở VH-TT&DL chủ trì, mời các cơ quan chuyên môn, chuyên gia có kinh nghiệm thực hiện ngay việc khắc phục, xử lý, tu sửa cấp thiết đoạn tường thành bị sạt lở, trượt đổ và chống sạt lở các đoạn tường thành có nguy cơ sạt lở, trượt đổ cao để bảo vệ di tích gốc, đảm bảo an toàn cho người dân, du khách bằng nguồn kinh phí của tỉnh; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu, bố trí nguồn kinh phí thực hiện các nội dung công việc trên.

Nhiều vị trí đã bị xô nghiêng, có nguy cơ sạt lở, trượt đổ bất cứ lúc nào

Giao UBND huyện Vĩnh Lộc chỉ đạo UBND các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đặt biển cảnh báo, cử cán bộ và lực lượng có liên quan trực gác tại khu vực tường thành đã bị sạt lở, trượt đổ và ở những đoạn tường thành có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách.

Đồng thời, đề nghị Bộ VH-TT&DL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội kêu gọi các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm để hỗ trợ, giúp tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu về kết cấu, địa chất của khu vực Thành nội để đưa ra các giải pháp, kế hoạch chống sụt lún, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các đoạn tường thành của di sản một cách bền vững, lâu dài.

Tỉnh Thanh Hóa kêu gọi các cấp, ngành, tổ chức đưa ra các giải pháp, kế hoạch chống sụt lún, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các đoạn tường thành của di sản một cách bền vững, lâu dài.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất và phê duyệt chủ trương cho lập các dự án thuộc khu vực Thành nội di sản Thành Nhà Hồ theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận, gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok