Trong tỉnh

Thanh Hóa: Một góc tường Thành Nhà Hồ bị sạt lở sau bão số 10

Một góc bức tường thành của di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) bị sạt lở sau khi bão số 10 đi qua.

Sau bão số 10 một góc tường thành bị sạt lở

Chiều 19/9 thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) cho biết vào khoảng 9h30’ ngày 16/9 một góc bức tường bao quanh Thành Nhà Hồ bị sạt lở chắn ngang đường bê tông dân sinh bên ngoài thành.

Theo đó, một góc bức tường bao quanh thành bị sạt có chiều dài khoảng 6,9m, cao khoảng 4m với khối lượng đất đá bị sạt khoảng 20m3.

Vị trí sạt lở của bức tường thành nằm tại vị trí phía Đông Bắc (cách cổng Bắc 200m), thuộc địa phận xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).

Theo hồ sơ bản vẽ và ảnh hiện trạng di tích trình Ủy ban Di sản thế giới, đoạn tường thành bị sạt lở thể hiện trong bản vẽ số 83, đoạn tường thành số 10, tỷ lệ 1/75.

Trung tâm và chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm khi người dân qua lại nơi đây

Ngay sau khi sự việc xảy ra Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ và chính quyền địa phương đã cắm biển báo nguy hiểm ở khu vực này cũng như lập rào chắn để ngăn người dân đi lại qua khu vực sạt lở này.

Ngoài vị trí vừa mới bị sạt lở, theo hồ sơ, tại thời điểm đo vẽ, xây dựng hồ sơ khoa học, đoạn tường thành phía Đông Bắc có 6 đoạn đã bị sụt lở, cụ thể: đoạn số 04, bản vẽ 59; đoạn số 7, bản vẽ 60; đoạn số 8, bản vẽ 61; đoạn số 12, bản vẽ 62; đoạn số 16-17, bản vẽ 63-64; đoạn số 20, bản vẽ 65.

Về phía Trung tâm cũng đã báo cáo ngành chức năng, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội về sự việc nêu trên.

Khoảng 20m3 đất đá của tường thành bị sạt lở xuống

Ngoài ra Trung tâm cũng đề nghị Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn các đoạn tường thành.

Thành Nhà Hồ (hay còn gọi thành Tây Đô, thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ) và là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn và hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá trên thế giới.

Thành được xây dựng trong thời gian ngắn chỉ trong 3 tháng (từ tháng giêng đến tháng 3 năm 1397) đến nay đã trải qua 6 thế kỷ.

Ngày 27/6/2011 Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và hiện nay được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng 62 Di tích quốc gia đặc biệt.

Tác giả: Trần Nghị

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok