Liên quan đến vấn đề sạt lở, trượt đổ đoạn tường thành phía Đông Bắc, Di sản Thành Nhà Hồ, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu, đề xuất phương án tối ưu khắc phục, xử lý, tu sửa cấp thiết đoạn tường thành nêu trên.
Đoạn tường thành phía Đông Bắc Thành Nhà Hồ bị sạt lở, trượt đổ |
Đồng thời, chống sạt lở, trượt đổ các đoạn tường thành có nguy cơ cao để bảo vệ di tích gốc, đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách.
Ông Quyền cũng yêu cầu các sở, ban ngành liên quan tham mưu văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tổ chức quốc tế liên quan về tình trạng thực tế nêu trên.
Đề nghị các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Thanh Hóa vận động, kêu gọi các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm để nghiên cứu về kết cấu, địa chất của khu vực Thành nội. Từ đó, đưa ra giải pháp, kế hoạch chống sụt lún, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các đoạn tường thành của Di sản một cách bền vững, lâu dài...
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu khảo sát tại Thành Nhà Hồ |
Sau khi có chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến của các cơ quan, các nhà khoa học trung ương và địa phương, các sở, ban, ngành và địa phương về việc sạt lở tường thành đá Di tích Thành Nhà Hồ.
Hội nghị với sự tham gia của đại diện lãnh đạo, các nhà nghiên cứu đến từ Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT&DL; Hội Khảo cổ học Việt Nam; Văn phòng UNESCO Hà Nội; các công ty, đơn vị tư vấn; các Sở, ban ngành, địa phương tỉnh Thanh Hóa.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị được giúp đỡ để chống sạt lở, trượt đổ các đoạn tường thành có nguy cơ cao để bảo vệ di tích gốc, đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách |
Các đại biểu, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực tế các khu vực tường Thành Nhà Hồ. Đặc biệt là hiện trường sạt lở khu vực tường thành phía Đông Bắc di sản do ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa qua.
Qua khảo sát, báo cáo đánh giá và các kiến nghị, các nhà khoa học đề nghị trước mắt, cần nghiên cứu địa chất tại khu vực di sản, kết cấu móng tường thành, cấu trúc các đoạn tường thành.
Đồng thời, gia cố các đoạn tường thành đã và đang có hiện tượng sạt lở nhằm bảo tồn nguyên trạng di tích, tránh tình trạng tiếp tục sạt lở. Ưu tiên cho công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học khu vực Hoàng thành, Hào thành, La thành và đặc biệt là tường thành (cần khai quật nghiên cứu một số đoạn tường thành cụ thể).
Trước mắt, cần nghiên cứu địa chất tại khu vực di sản, kết cấu móng tường thành, cấu trúc các đoạn tường thành |
Qua đó làm cơ sở nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng một số kiến trúc công trình như Hào thành, La thành, tường thành...
Còn về lâu dài, các nhà khoa học đề nghị Sở VH-TT&DL, UBND tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các hạng mục theo lộ trình trong Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, cần có kế hoạch nghiên cứu tổng thể kết cấu, kỹ thuật trong kiến trúc xây dựng kinh thành Tây Đô. Cần có các giai đoạn, lộ trình cụ thể, khoa học.
Về lâu dài, các nhà khoa học đề nghị Thanh Hóa cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các hạng mục theo lộ trình trong Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt |
Ông Phạm Duy Phương - Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa đề nghị các cơ quan trung ương, văn phòng UNESCO Hà Nội tiếp tục quan tâm, kêu gọi các quỹ, các dự án trong nước và quốc tế ưu tiên cho Di sản Thành Nhà Hồ.
Ông Phương khẳng định sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai có hiệu quả các cam kết với Ủy ban di sản thế giới, Quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, cho nghiên cứu, bảo tồn các đoạn tường thành về trước mắt cũng như lâu dài. Ưu tiên kinh phí hàng năm chống xuống cấp cho di sản và phục vụ nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí