Nhiều vị trí ở khu vực tường thành phía Đông Bắc cũng sụt lún, sạt lở do nền địa chất yếu. |
Sạt lở bức tường hơn 600 tuổi
Không phải ngẫu nhiên, Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Thành Nhà Hồ có cảnh quan tuyệt đẹp của một vùng kinh đô cổ với những giá trị nổi bật toàn cầu. Đây là trung tâm kinh thành của Việt Nam vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, nơi các tầng văn hoá nối tiếp nhau trong lòng đất, lưu giữ các dấu tích cung điện, đền đài, đường sá. Di sản còn thể hiện rõ sự giao thoa trao đổi các giá trị nhân văn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á.
Thành Nhà Hồ còn là một ví dụ nổi bật về một loại công trình kiến trúc được xây dựng bằng đá lớn, biểu hiện sự sáng tạo kỹ thuật tài tình được coi là hiện tượng đột khởi trong lịch sử xây dựng kiến trúc thành quách của Việt Nam và khu vực.
Tuy nhiên, “nước chảy đá mòn”, các nhà khoa học, lịch sử, các nhà nghiên cứu từng lo ngại Thành Nhà Hồ sẽ bị mòn và bị sụt lún. Lũ lụt là nỗi lo lớn nhất đối với di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Nền đất yếu, những bức tường đá có thể bị sụt lún, bị mất đi. Bên cạnh đó, mặt phẳng phía trên thành, đối mặt với mưa, nắng cũng sẽ bị bào mòn rất lớn. Có thể hình dung, mặt phẳng trên thành như mặt sân bóng, mưa xuống, ngấm vào các điểm kết nối của các tảng đá thì đá cũng sẽ bị ảnh hưởng đến kết cấu cũng như tường thành. Di sản ấy đang “kêu cứu” bởi thiên tai, thời tiết.
Do tác động của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như nắng nóng, mưa nhiều, nhất là lũ lụt thường xuyên, tình trạng biến đổi khí hậu, bão kèm theo gió mạnh, lốc xoáy hàng năm nên kiến trúc cổ luôn đứng trước nguy cơ gặp nguy hiểm bởi sự tàn phá của tự nhiên.
Và nỗi lo ấy đã xảy ra, vào lúc 9h30 ngày 16/9, ảnh hưởng của bão số 10 và tác động của thời gian đã làm sạt lở một đoạn tường thành tại vị trí phía Đông Bắc (cách cổng Bắc 200m) của Thành Nhà Hồ, thuộc địa phận xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc. ông Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cho biết, một khối lượng lớn đất đá từ tường thành của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đã bị sạt lở xuống, chắn ngang con đường bê tông cạnh chân thành. Đoạn sạt lở có chiều dài 6,9m, cao 4m, với 54 khối đá, khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 20m3.
Ngoài ra, nhiều vị trí của đoạn tường thành phía Đông Bắc còn bị xô nghiêng ra phía ngoài, có nguy cơ sạt lở cao. Sau khi phát hiện sự việc trên, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã căng dây, đặt biển cảnh báo, hướng dẫn du khách và nhân dân địa phương không đi lại qua khu vực sạt lở. Trung tâm cũng đang phối hợp với các ngành chức năng làm rõ nguyên nhân và đánh giá cụ thể hiện trạng; đã báo cáo ngành chức năng, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội về sự việc trên.
Khẩn trương bảo vệ, gia cố, giữ nguyên hiện trạng
Sở VH-TT&DL Thanh Hóa đề nghị Bộ VH-TT&DL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội kêu gọi các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm để hỗ trợ, giúp tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu về kết cấu, địa chất của khu vực Thành nội để đưa ra các giải pháp, kế hoạch chống sụt lún, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các đoạn tường thành của di sản một cách bền vững, lâu dài; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất và phê duyệt chủ trương cho lập các dự án thuộc khu vực Thành nội di sản Thành Nhà Hồ theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận, gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cục Văn hóa di sản, Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng Thành Nhà Hồ bị sạt lở tường thành. Cục Di sản văn hóa đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ khẩn trương triển khai công tác bảo vệ, gia cố giữ nguyên hiện trạng, trên cơ sở đó xây dựng phương án tu bổ cấp thiết trình UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ VH-TT&DL xem xét, quyết định.
Theo các nhà chuyên môn, hiện yêu cầu đặt ra là phải khảo sát để bảo tồn di sản thế giới Thành Nhà Hồ và tăng cường tìm hiểu, nghiên cứu những tư liệu khoa học về di sản chứ không phục hồi nguyên trạng. Cần ngay lúc này là các cơ quan chức năng tìm xem người xưa đã làm thế nào để có được di sản này rồi từ việc có căn cứ khoa học, sẽ tính xem giải quyết việc sụt, lún đó.
Tác giả: Thùy Dương
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam