Những “người đàn bà hóa đá”
Nghề đi biển vốn như một canh bạc, canh bạc không chỉ đặt cược bằng tài sản mà còn bằng cả tính mạng con người. Dù hiểm nguy nhưng biển cũng mang lại những đặc ân vô cùng lớn. Là cơm ăn áo mặc, nhà cửa khang trang. Bởi thế, hàng trăm gia đình vẫn coi đi biển như một nghề cha truyền con nối ở xứ này.
3 người phụ nữ trong gia đình nhà chị Thêu, bà Thực bỗng trở thành góa bụa cùng những đứa con nheo nhóc. |
Bà Nguyễn Thị Thự (SN 1966), ở thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) những ngày qua như người mất hồn. Nước mắt bà đã cạn khô vì cùng một lúc mất đi người chồng và 2 người con (1 con trai, 1 con rể).
Làm vợ, làm mẹ của những người đàn ông đi biển, suốt cuộc đời bà chỉ biết chờ và đợi. Điều bà mong mỏi nhất là sóng yên biển lặng để chồng con được bình an trở về sau mỗi chuyến ra khơi. Thế nhưng từ đây, những người bà Thự yêu thương nhất đã ra đi mãi mãi, để lại nỗi đau chẳng biết bao giờ nguôi.
Ngày 6/1 vừa qua, chồng bà là Nguyễn Văn Thảo (52 tuổi), con trai Nguyễn Văn Thành (31 tuổi) và con rể Nguyễn Văn Hải (31 tuổi) cùng một người họ hàng khác cùng nhau lên thuyền ra khơi.
Thế rồi, vào ngày 10/1, thuyền bị sóng đánh chìm, tất cả đều rơi xuống biển. Thi thể anh Thành đã được tìm thấy và đưa vào bờ an táng, nhưng những người khác đến nay vẫn còn chưa có tung tích.
Gánh nợ chất chồng
Chị Vũ Thị Thêu (30 tuổi), con dâu của bà Thự dường như không thể gượng dậy sau nỗi đau quá lớn. Chỉ cần nghe tiếng sóng vỗ rì rào ngoài biển, chị lại hình dung ra cảnh chồng và những người thân đang trôi dạt ngoài khơi xa.
3 người đàn ông trụ cột gia đình đã ra đi, để lại một bầy với 9 đứa nhỏ nheo nhóc cùng những người phụ nữ và những khoản nợ chất chồng.
Chị Thêu cho biết, nỗi đau mất người thân đã là quá sức chịu đựng rồi, thế nhưng tới đây không biết 3 mẹ con chị sẽ phải xoay sở như thế nào với khoản nợ. Trước đây, gia đình khó khăn nên mấy bố con chỉ đi nhờ tàu người khác, gần đây, gia đình mới bàn tính chuyện vay mượn sắm tàu riêng để tiện làm ăn.
Bi kịch trải dọc khắp miền ven biển xứ Thanh. |
“Tàu này mua lại của người khác với giá 600 triệu đồng, chủ yếu là vay mượn, mới mua hơn 1 tháng còn chưa kịp kiếm ra đồng nào thì đã xảy ra chuyện. Mẹ con tôi không biết sẽ làm thế nào để trả nợ và nuôi các cháu”, chị Thêu nghẹn ngào nói.
Ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: ”Ngay sau khi nhận được thông tin về chồng, con trai, con rể của bà Thự gặp nạn trên biển, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên và chia sẻ nỗi mất mát đau thương to lớn với gia đình. Đồng thời, UBND xã chỉ đạo ban rà soát hộ nghèo của xã lập hồ sơ bổ sung, đề nghị cấp trên quyết định công nhận hộ nghèo cho gia đình bà Thự để đỡ đần phần nào khó khăn”.
Không riêng gì gia đình bà Thự và chị Thêu, tại ven biển xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), 3 con tàu cùng với 8 ngư dân trong xã cũng bị sóng đánh chìm trong cùng lúc. Bi kịch lần này khiến người dân nhớ lại nỗi đau năm 1996, khi đó, 5 con tàu của ngư dân cũng bị sóng đánh chìm khiến 27 người thiệt mạng.
Trong tai nạn vừa qua, theo thống kê của UBND xã Hải Thanh, 3 con tàu của xã bị chìm có tổng trị giá gần 2 tỉ đồng.
Người chết vẫn chưa thể tìm thấy thi thể, còn người sống sót ở lại với những gánh lo nợ nần nặng trĩu. Anh Lê Văn Thiện xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia là người may mắn sống sót sau vụ tàu chìm vừa qua. Trên tàu của anh có 8 người thì 3 người may mắn được cứu sống, còn lại 5 người chết, tới nay mới chỉ 1 người tìm thấy thi thể. Trong số người chết có bố anh là ông Lê Văn Thực.
Con tàu của gia đình anh có giá khoảng 800 triệu, nay số tiền này đã chìm theo sóng biển. Anh Thiện hết sức lo lắng bởi chiếc “cần câu cơm” đã mất đi thì trước mắt sẽ lấy gì để nuôi sống gia đình huống hồ là trả nợ.
Tác giả: Lương Diễn
Nguồn tin: antt.vn