Mâm cơm đẹp mắt với 3-4 món được Hồng Hạnh chia sẻ trên trang Facebook Christine Nguyễn. |
Hai năm học tập tại Mỹ, Hồng Hạnh thay đổi từ một thiếu nữ vụng về thành cô gái yêu thích việc bếp núc. Mỗi ngày dù học một hay hai ca, Hạnh vẫn tranh thủ tự nấu cho mình những bữa cơm ngon, đủ chất và trang trí đẹp mắt. Các công đoạn sơ chế thực phẩm, nấu nướng và bày biện không chiếm của cô quá nhiều thời gian. Những lúc vội, Hạnh chỉ cần 30-45 phút để vào bếp. Khi thong thả, nữ du học sinh Mỹ dành cả ngày tìm hiểu các công thức nấu ăn mới. Trong dịp về thăm nhà gần đây, Hạnh đã khiến ba mẹ "lác mắt" vì trước đó hay chê con gái: "Biết gì mà nấu, động vào hỏng hết lại mất công người khác dọn dẹp".
Hồng Hạnh là con út trong gia đình nên được cưng chiều. Từ nhỏ, cô không biết nấu nướng và không mặn mà với công việc giàu nữ tính này. Những ngày đầu ở Mỹ, cô tân sinh viên chủ yếu ăn đồ ăn nhanh. Khoảng một tháng, Hạnh không thể tiếp tục vì đồ ăn nhanh quá ngán, thức ăn trong nhà hàng lại đắt đỏ. Cô gái quê Long An nghĩ tới việc tự nấu ăn tại nhà và bắt đầu học nội trợ từ đó.
Trong 1-2 tuần đầu, Hồng Hạnh "khổ sở" vì phải ăn những món rất tệ do mình nấu. Dù đã chọn những món đơn giản như cơm chiên, canh chua, súp rau củ... thành phẩm của cô vẫn ở mức dưới trung bình. Hạnh lang thang trên các diễn đàn nấu ăn, học qua Youtube, lưu lại những công thức nấu ngon mà tiết kiệm. Sau vài tuần, nữ du học sinh đã có bữa tối đầu tiên với cơm không nát, rau không quá lửa.
Ban đầu, việc nấu ăn của Hồng Hạnh luôn bám sát công thức. Cô đong đếm từng thìa gia vị để không bị mặn hay nhạt quá. Khi đã thuần thục hơn, Hạnh linh hoạt thêm bớt nguyên liệu để món ăn hợp khẩu vị và tiết kiệm chi phí. Lúc cải thiện được tốc độ nấu, 9X có thời gian bày biện, trang trí đẹp mắt hơn. Dần dà, việc nấu ăn mang đến cho Hồng Hạnh cảm giác vui vẻ, phấn khích như theo đuổi một môn nghệ thuật. Cô vào bếp bằng đam mê, thay vì nấu ăn cho no bụng như trước. Ở một mình nhưng Hạnh rất ít khi bỏ bữa. Mỗi ngày không cầm vào dao thớt, cô gái quê Long An thấy khó chịu.
Hồng Hạnh, 21 tuổi, nữ du học sinh ngành y, tìm thấy niềm đam mê nấu nướng trong hai năm sống xa nhà. |
Đều đặn mỗi tuần, Hạnh đi siêu thị vào thứ bảy mua thực phẩm cho cả tuần. Trước đó, cô lên danh sách các nguyên liệu cần mua, dự trù kinh phí chi tiết. Nữ du học sinh Mỹ dành khoảng 40-50 USD (khoảng 900.000 đồng-1,1 triệu đồng) cho mỗi lần mua thực phẩm. Cô chia đều cho các loại rau, thịt, sữa, trái cây để bữa ăn phong phú và đủ chất. So với đi ăn ngoài, việc nấu ăn tại nhà giúp Hồng Hạnh tiết kiệm 200-250 USD (5-6 triệu đồng) mỗi tháng. Ngoài lịch học chính ở trường, Hạnh tranh thủ thời gian rảnh để làm thêm công việc dịch thuật. Thu nhập từ công việc này cùng với tiền hỗ trợ của gia đình không lớn. Khi chưa tự nấu ăn, mỗi tháng, Hồng Hạnh mất khoảng 400-500 USD cho việc ăn ngoài. Cô phải chi tiêu rất tiết kiệm mới đủ tiền trang trải cuộc sống trong một tháng đầu ở Mỹ.
Hồng Hạnh thường sơ chế thực phẩm ngay khi đi siêu thị về. Thịt, hải sản... Hạnh rửa sạch, chia thành từng gói nhỏ vừa ăn một bữa, cất trong ngăn đá tủ lạnh. Cô làm sạch rau, củ, quả bằng nước muối loãng rồi chia thành từng bịch. Mỗi bịch lót thêm tệp khăn giấy để hút ẩm, giúp rau quả không bị thối.
Dù chỉ có 2 tiếng nghỉ trưa giữa hai ca học, Hạnh vẫn về nhà nấu cơm, nên cô chọn cách làm nhiều việc một lúc. Khi sử dụng nồi cơm điện, 9X đặt thêm cái xửng nhựa bên trong để hấp thịt, trứng, rau củ. Lúc chờ nồi thịt chín, Hạnh tranh thủ xào rau, làm salad. Nhanh thì 20 phút, chậm thì 30-40 phút, chưa khi nào nữ du học sinh mất hơn một giờ cho bữa ăn của mình. Hồng Hạnh từng khiến những người bạn bản xứ "há hốc miệng" khi chứng kiến khả năng nấu ăn nhanh, ngon và đẹp mắt của cô.
Ngoài những món ăn đơn giản hàng ngày, Hạnh thích học cách chế biến ẩm thực kiểu Nhật, Thái và phương Tây. Tại nơi Hồng Hạnh sống, nguyên liệu nấu món Nhật khá phổ biến nhưng thực phẩm Việt lại khó mua. Mỗi lần thèm cơm quê, cô gái Long An phải đi xe mất một tiếng tới chợ Việt. Hạnh thường mua một lọ dưa kiệu giá 3-4 USD (60-70.000 đồng) để ăn dần trong khoảng 1-2 tuần. Những dịp về Việt Nam, Hạnh luôn trở lại trường với valy chật ních gia vị, rau thơm và đồ khô Việt.
Một bữa trưa nấu vội của Hồng Hạnh. |
Ảnh: NVCC
Tác giả: Lam Trà
Nguồn tin: ngoisao.net