Giáo dục

Điểm chuẩn ngành sư phạm sẽ tăng

Bộ GD&ĐT đã công bố mức điểm sàn xét tuyển khối ngành đào tạo giáo viên là 18, 16, 14 tương ứng với trình độ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC). Căn cứ phổ điểm thi THPT Quốc gia 2019 tăng, các chuyên gia dự kiến điểm trúng tuyển vào các ngành SP sẽ nhích lên từ 0,25 - 2 điểm.

Trường danh tiếng điểm chuẩn sẽ tăng tới 2 điểm

Dựa vào ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trình độ ĐH khối ngành đào tạo giáo viên do Bộ GD&ĐT quy định là 18, ĐH SP Hà Nội đưa ra mức điểm sàn cho từng ngành. PGS.TS Đặng Xuân Thư - Phó Hiệu trưởng ĐH SP Hà Nội thông tin: Các ngành SP gồm Ngữ văn, Toán học, Toán học - đào tạo giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh, Tiếng Anh có điểm sàn 20; Ngành Giáo dục (GD) Tiểu học, GD Tiểu học - SP tiếng Anh, GD Mầm non, GD Mầm non - SP tiếng Anh có điểm sàn 18.

Các ngành còn lại, nhà trường áp dụng mức điểm sàn 18 - bằng ngưỡng Bộ GD&ĐT. PGS Đặng Xuân Thư dự kiến, năm nay những ngành "hot" như SP Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh dồi dào chỉ tiêu, với hơn 12.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, dự kiến điểm chuẩn sẽ nhích lên từ 0,25 đến 1 điểm. Các ngành SP khác điểm chuẩn vẫn giữ nguyên như năm 2018.

Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Công Hùng

Đến thời điểm này, ngành Robotics và trí tuệ nhân tạo của ĐH SP Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh có điểm sàn 24 - cao nhất cả nước. Nhiều ngành ĐH đại trà khác của trường này cũng có điểm sàn lên tới 20, cao hơn 2 điểm so với quy định của Bộ GD&ĐT, đó là: SP Tiếng Anh, Cơ khí, Cơ điện tử, Điện - Điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Logistics, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật hóa học.

Các ngành đào tạo đại trà khác có điểm sàn 19, những chương trình chất lượng cao đào tạo bằng tiếng Việt có điểm nhận hồ sơ 18. Trong khi đó, ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào của trường ĐH SP TP Hồ Chí Minh cho các ngành dao động từ 18 - 21; 3 ngành có điểm sàn cao nhất là 18 gồm SP Toán, Hóa và Tiếng Anh. Đại diện nhà trường dự đoán, mức điểm thi năm nay tăng nên điểm trúng tuyển vào các ngành của trường cũng tăng từ 1 - 2 điểm, tùy theo từng ngành.

Điểm sàn - đảm bảo chất lượng đầu ra

Năm nay, cả nước có 653.278 TS đăng ký xét tuyển ĐH với hơn 2.575.000 nguyện vọng (NV), trung bình mỗi em 3,9 NV. Trong tổng số 489.637 chỉ tiêu, có 46.285 chỉ tiêu SP, bằng 73% nhu cầu của các tỉnh. “Tuyển được số chỉ tiêu này hay không còn là việc khác. Bộ vẫn quy định trần SP để giữ chất lượng đào tạo giáo viên.

Năm ngoái các trường chỉ tuyển được 44% nhu cầu đào tạo giáo viên của các tỉnh. Vì thế, các địa phương phải tăng cường thu hút các giáo viên đã được đào tạo nhưng chưa có việc làm, hoặc làm không đúng ngành nghề. Việc tuyển sinh mới phải giữ chất lượng tương đối cao để đảm bảo tiêu chí đầu ra cho giáo viên” - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng giải thích.

Để nâng chất lượng đào tạo giáo viên, lãnh đạo một số trường ĐH cho rằng, khi điểm thi THPT Quốc gia cao hơn năm ngoái, Bộ GD&ĐT quy định mức điểm sàn ngành SP là 18, 16 và 14 là phù hợp. Mức điểm sàn này sẽ đảm bảo chất lượng đầu vào, nhưng các trường nên chú trọng vào quá trình đào tạo để đầu ra tốt hơn. PGS.TS Đặng Xuân Thư khẳng định: Dù thế nào, ĐH Sư phạm Hà Nội luôn chú trọng công tác đào tạo từ giảng viên - đội ngũ đứng đầu các trường ĐH, tới chất lượng đầu vào tốt (về cơ bản nhà trường tuyển sinh dựa trên điểm thi THPT Quốc gia).

Với quan điểm, để thành công ở nghề giáo viên thì vừa phải đảm bảo ngưỡng chất lượng và TS phải yêu thích công việc của nhà giáo. Từ phân tích kết quả TS thi vào ngành SP mấy năm gần đây, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận thấy, TS có điểm cao ít chọn ngành SP.

Vì thế, bên cạnh việc xác định ngưỡng đảm bảo đầu vào cho ngành SP, GS Thanh mong muốn ngành giáo dục quan tâm thêm về các chính sách việc làm cho giáo sinh sau khi tốt nghiệp và những ưu đãi giáo viên thì mới thu hút được nhiều học sinh giỏi thi vào SP. Các chương trình đào tạo giáo viên cũng cần được cải tiến; thực tập SP đóng vai trò quan trọng và đi vào thực chất hơn.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, điểm sàn SP ở mức 18 (ĐH), 16 (CĐ) là phù hợp với mặt bằng chung của điểm thi năm nay và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Chính sách điểm sàn SP sẽ ngăn chặn một số trường do thiếu nguồn tuyển có thể lấy ở mức quá thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực. Việc nâng cao chất lượng đầu vào sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng dạy và học, chất lượng đầu ra, từ đó tăng cơ hội việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.

Tác giả: LƯU LY - THỦY TRÚC

Nguồn tin: Báo Kinh tế và Đô thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok