Di tích đền Nưa nằm trong quần thể Khu Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa của Bà Triệu (gồm núi Nưa - đền Nưa - am Tiên) ở thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đền Nưa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2009. Nay di tích ấy đã thành công trình xây mới.
Tự ý bê-tông hóa
Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, nội dung xếp hạng di tích lập năm 2009 (trang 19 đến trang 22) có nêu: Đền Nưa nằm dưới chân núi Nưa (tức Na Sơn tử), đây là đền thờ Bà Triệu (tức Lệ Hải Bà Vương, mà dân gian vẫn thường gọi tắt, gọi nôm na là đền đức Vua Bà hoặc chùa Ngàn Nưa). Trong những năm chiến tranh, ngôi đền đã bị phá hủy gần như hoàn toàn, chỉ còn cổng nghinh môn được làm từ thời Nguyễn - triều vua Tự Đức là khá nguyên vẹn… Năm 1993, sau khi đền Nưa - am Tiên được tỉnh Thanh Hóa ra quyết định bảo vệ để phát huy tác dụng, chính quyền và người dân xã Tân Ninh (nay là thị trấn Nưa) đã góp công, góp của phục dựng di tích này; đã sưu tầm được ngôi nhà cổ có niên đại năm Minh Mạng thứ 19 (khắc ở thượng lương) để dựng trên nền móng của tiền đường cũ, gồm 5 gian, bít đốc, cấu trúc vi kèo làm theo kiểu kèo suốt trụ trốn, mỗi vi kèo có 4 hàng chân cột; tất cả có 4 cột cái, 8 cột quân, 4 cột hiên; hoa văn ở các đầu cột quả giang và các kẻ bẩy là các lá cúc cách điệu. Nối liền với tiền đường là hậu cung dài 5,4 m, rộng 4,2 m. Tháng 3-2009, Bộ VH-TT-DL đã công nhận địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm núi Nưa, đền Nưa - am Tiên là "Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp quốc gia".
|
Nhà tiền đường đền Nưa bằng gỗ đã bị dỡ bỏ, thay bằng bê-tông |
Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình nhà tiền đường làm bằng gỗ của đền Nưa bị ông Lê Khắc Tam (người trông coi đền Nưa) tự ý hạ giải rồi lén lút trùng tu "chui" di tích suốt 2 năm qua mà không chờ các cấp thẩm quyền cho phép.
Ngày 24-6-2021, Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành thanh tra việc vi phạm tại đền này, theo chỉ đạo của UBND tỉnh và xác định công trình nhà tiền đường đã bị hạ giải; hệ thống khung cột, vi, kèo, xà, tường bao được thay thế bằng chất liệu bê-tông. Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa yêu cầu ông Tam dừng thi công công trình khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.
Thế nhưng, ghi nhận thực tế của phóng viên tại đền Nưa ngày 18-3-2022, một số tốp thợ đang tô vẽ các họa tiết hoa văn trên vi kèo bê-tông nhà tiền đường. Công trình cơ bản được xây dựng gần xong. Toàn bộ số gỗ hạ giải nhà tiền đường đang được chất đống phía sau; chỉ được phủ bạt sơ sài, mặc cho nắng mưa.
Vô trách nhiệm với di tích?
Việc nhà tiền đường tại đền Nưa bị hạ giải, làm mới bằng bê-tông gần như chính quyền sở tại không hay biết, dù di tích này cách UBND thị trấn Nưa không xa (nằm ngay sát đường lên xuống núi Nưa).
Ông Lê Đình Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Nưa, cho biết chính quyền thị trấn đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản xử phạt, đình chỉ xây dựng. Tuy nhiên, ông thừa nhận dù thị trấn, huyện và Sở VH-TT yêu cầu dừng thi công, ông Tam vẫn lén lút cho xây dựng. "Gần Tết Nguyên đán vừa qua (năm 2022), ông Tam có tiến hành trát tường để phục vụ tâm linh và hiện không xây dựng gì cả" - ông Tâm quả quyết.
Gỗ của nhà tiền đường cũ sau khi hạ giải chất đống, chỉ che bạt sơ sài, để phía sau đền Nưa |
Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp hình ảnh thợ vẫn đang thi công thì ông Tâm nói sẽ cho cán bộ văn hóa xuống đình chỉ ngay. Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao trong suốt thời gian dài, địa phương vẫn để cho ông Tam tiếp tục xây dựng công trình dù đã bị đình chỉ, ông Tâm nói: "Cái này đã báo cáo huyện nhiều lần rồi, đây là di tích do huyện quản lý. Tôi chỉ việc báo cáo huyện, giờ phá dỡ hoặc như thế nào tôi cũng chịu".
Điều đáng nói, kể từ ngày được công nhận di tích cấp quốc gia, di tích này vẫn do cá nhân quản lý, trông coi, khiến ngôi đền nhiều lần bị xâm hại. Chính quyền sở tại tỏ ra bất lực.
Ông Bùi Kim Dậu, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Sơn, cho biết UBND huyện cũng có nhiều văn bản chỉ đạo dừng nhưng không thể theo dõi hết được. "Di tích này hiện do tư nhân quản lý thu chi, trong khi tỉnh, huyện cũng chưa có biện pháp bàn giao cho nhà nước quản lý để bảo vệ, phát huy giá trị" - ông Dậu nêu thực trạng.
TS Phạm Văn Tuấn, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử - văn hóa tỉnh Thanh Hóa, cho biết di tích quốc gia đền Nưa là do ông xây dựng lý lịch nên ông thật sự giật mình khi một phần di tích bị phá bỏ để làm mới. Ông khẳng định Luật Di sản cũng như các công ước bảo tồn di sản của UNESCO rất tôn trọng yếu tố gốc, tính xác thực của di sản. "Bảo tồn yếu tố gốc rất quan trọng. Nó không chỉ là vấn đề về cảnh quan mà còn là niên đại và thời đại; niên đại của nó phản ánh thời đại. Việc bảo tồn di sản là bảo tồn tính xác thực, bảo tồn niên đại và thời đại của di sản. Vì thế, di tích bị làm mới thì còn gì là di tích. Cái này nguy hiểm lắm. Điều quan trọng là tâm hồn dân tộc nằm trong di sản; khi tôn tạo di tích còn giữ nguyên hồn cốt dân tộc hay không; nếu nó mất đi thì còn gì là bảo tồn di tích" - TS Phạm Văn Tuấn bày tỏ quan điểm.
(Còn tiếp)
Công tác quản lý của địa phương "có vấn đề" Công trình nhà tiền đường đền Nưa đã bị xâm hại, phá bỏ nhà gỗ để xây mới bằng bê-tông từ tháng 5-2021 nhưng đến ngày 25-2-2022, Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa mới có văn bản báo cáo chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về phương án chi tiết bảo quản, tu bổ, phục hồi hạng mục nhà tiền đường đền Nưa; đề nghị UBND tỉnh có văn bản trình Bộ VH-TT-DL xin ý kiến. Ngày 7-3-2022, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản phúc đáp nêu rõ chưa xem xét chủ trương đầu tư, do tỉnh đã thống nhất để nhà đầu tư nghiên cứu tài trợ sản phẩm quy hoạch khu di tích lịch sử quốc gia này, nhằm bảo đảm tính tổng thể của khu vực di tích, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Việc phá bỏ các di tích cũ, trùng tù làm mới tại đền Nưa không phải là cá biệt tại Thanh Hóa. Thời gian qua, tại địa phương này có nhiều công trình sau khi trùng tu đã mất đi những giá trị vốn có của nó, nhiều công trình có tuổi đời hàng trăm năm bị "xóa sổ". Điều này cho thấy công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh đang "có vấn đề". |
Tác giả: Thanh Tuấn
Nguồn tin: Báo Người lao động