Năm 2002, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Theo đó, diện tích khu di tích được mở rộng từ 141ha lên 200ha. Để thực hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời 1 khu chợ và 31 hộ dân sống ở khu vực phía đông khu di tích (thuộc thôn Phúc Lâm) ra khỏi vùng quy hoạch.
31 hộ dân sống tạm bợ hơn 20 năm trong khu di tích Lam Kinh |
Đến năm 2004, UBND huyện Thọ Xuân cùng các ngành đã kiểm kê tài sản, áp giá đền bù, đồng thời xây dựng mặt bằng tái định cư cách đó khoảng 700m để di chuyển các hộ dân, nhường đất cho khu di tích. Thế nhưng, mọi kế hoạch vẫn chỉ nằm trên giấy suốt hơn 20 năm, việc di dời tái định cư cho các hộ dân vẫn không thực hiện do tỉnh không bố trí được kinh phí.
Điều này khiến cuộc sống của 31 hộ dân ngày càng lâm vào khó khăn, chờ đợi trong vô vọng. Trong khi đó, hàng chục ngôi nhà trở nên xập xệ, xuống cấp nhưng không được phép xây mới, sửa chữa do vướng quy hoạch.
Bà Đỗ Thị Minh, một hộ dân sống tại đây cho biết: “Suốt nhiều năm, cả gia đình phải ở chui rúc trong gian quán chật chội, sinh hoạt vô cùng khổ sở, mỗi lần mưa xuống cả gia đình phải lấy áo mưa mặc trong nhà, chỗ nào cũng dột. Gần đây, chính quyền thông báo chuẩn bị giải ngân tiền đền bù đất, chúng tôi mừng vì thoát khỏi cảnh chờ đợi, dù cũng buồn vì giá đền bù thấp”.
Các hộ dân sẽ thoát khỏi cảnh 'sống mòn' |
Ông Nguyễn Đình Tớn (76 tuổi) là một trong số những người đại diện của các hộ dân, nhiều năm qua đã nhiều lần trực tiếp gõ cửa nhiều lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện đề nghị được giải quyết di dời cho người dân. “Nghe nói tỉnh đã cấp vốn về huyện từ năm 2021 nhưng chúng tôi chờ mãi chưa thấy huyện giải quyết. Chúng tôi tha thiết muốn được đi không phải để lấy tiền đền bù, số tiền đó chưa chắc đủ để xây dựng nhà mới trong hoàn cảnh giá vật liệu tăng cao như hiện nay. Nhưng cái bà con muốn là cuộc sống yên ổn, an cư mới lạc nghiệp. Vừa qua các hộ dân lại một lần nữa xuống huyện kiến nghị thì được thông báo sắp có kế hoạch di dời”, ông Tớn nói.
Ông Nguyễn Thế Hoan, Phó ban quản lý dự án huyện Thọ Xuân cho biết, năm 2021 tỉnh đã cấp vốn về cho huyện, tuy nhiên do huyện chưa có kế hoạch sử dụng đất. Hơn nữa vướng công tác kiểm kê, xác định nguồn gốc đất nên việc bồi thường GPMB chưa thực hiện được. Tổng vốn GPMB đợt 1 hết 21 tỷ đồng.
“Hiện chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, đến ngày 25/3 tới đây sẽ công bố phương án tái định cư, chi trả phần tiền đền bù tài sản trên đất cho các hộ dân, tiếp đó đến 30/5 sẽ giao đất, hoàn thành phương án tái định cư”, ông Hoan cho hay.
Tác giả: Lương Diễn
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn