Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt năm 2018. Dự án được chia thành 3 giai đoạn, với tổng mức đầu tư 29 tỉ đồng, trong đó tu bổ giếng Ngọc là một trong 12 hạng mục tu bổ, tôn tạo thuộc giai đoạn 3 của dự án này.
Giếng Ngọc ở đền Lê Văn Hưu có đường kính rộng hơn 10m, trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã chủ trương phá bỏ giếng cổ để làm giếng mới đường kính chỉ rộng hơn 6 m. Đồng thời làm một con đường bê tông đi ngang qua. Điều này khiến người dân địa phương bức xúc vì cho rằng việc phá bỏ giếng cỏ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị lịch sử, cảnh quan của di tích.
Giếng mới được xây dựng thay thế không được người dân đồng ý |
“Việc tu bổ Giếng Ngọc là cần thiết, thế nhưng điều chỉnh đường kính cũng như vị trí của giếng vốn dĩ có giá trị lịch sử và niên đại hàng nghìn năm bằng một cái giếng mới toanh như thế này thì dân làng không đồng tình. Từ bao đời nay, Giếng Ngọc trong di tích là không gian văn hóa, được người dân chúng tôi trân trọng, giữ gìn”, bà Trần Thị Lự (84 tuổi) trú tại xã Thiệu Trung nói.
Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thiệu Hóa, cho biết, đơn vị thi công đã làm đúng theo như thiết kế bản vẽ đã được Bộ VH-TT-DL thẩm định, còn giếng cổ này có từ khi nào ông cũng không được rõ.
Về vấn đề này, ông Lê Thế Anh, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa khẳng định, dự án này về các bước trình tự, thủ tục hồ sơ là chặt chẽ; việc lấy ý kiến đã có biên bản thống nhất từ nhân dân. Hiện trong hồ sơ khảo tả của di tích quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu cũng không thể hiện rõ là có Giếng Ngọc, mãi sau này khi lập quy hoạch bảo tồn di tích thì mới khoanh vị trí để làm giếng.
Theo ông, dựa vào sự lưu truyền trong dân gian và vị trí hiện có, thiết kế đã được phê duyệt làm giếng mới có đường kính lòng giếng nhỏ lại thành 6m. Việc làm nhỏ giếng là để có diện tích làm đường lưu thông giữa chùa Hương Nghiêm với đền Lê Văn Hưu, đồng thời có diện tích để xây dựng nhà bia, tạo không gian hài hòa giữa đền và chùa.
Trước sự phản đối của dư luận địa phương, ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), UBND huyện Thiệu Hóa kiểm tra, làm rõ việc phá giếng cổ làm mới gây bức xúc trong nhân dân tại di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu.
Văn bản yêu cầu các đơn vị trên có biện pháp xử lý đảm bảo việc tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện theo đúng quy định, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.
Tác giả: Lương Diễn
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn