Trong tỉnh

Đề xuất gỡ khó trong thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo

Triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng Thanh Hoá đã nỗ lực thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và đạt được một số kết quả tích cực, song còn nhiều phát sinh, khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Là hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình anh Lữ Văn Đảm, ở bản La (xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn) đủ điều kiện được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021-2025. Dù ngôi nhà của gia đình anh Đảm đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, vậy nhưng anh vẫn từ chối nhận tiền hỗ trợ xây nhà.

Anh Đảm cho biết: “Khi thợ xây dựng đến khảo sát và báo giá xây nhà mới tối thiểu 60 triệu đồng. Nhưng, số tiền Nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ mới có hơn 40 triệu đồng, trong khi bản thân tôi đã mất sức lao động, con cái còn nhỏ, phải chạy ăn từng bữa nên không thể lo liệu vốn đối ứng khoảng 20 triệu đồng, bởi vậy ước mơ xây một ngôi nhà mới đành dở dang”.

Theo chính quyền địa phương, bản La, xã Trung Xuân có 30 hộ đủ điều kiện để xây mới và sửa chữa nhà ở, thì có 6 hộ không nhận tiền hỗ trợ với lý do không đủ khả năng.

Còn tại huyện Bá Thước, việc triển khai đề an đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cuộc sống tốt hơn, ổn định về nơi ở để an tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Tuy nhiên, định mức hỗ trợ làm nhà ở (xây mới và sửa chữa) theo đề án còn thấp, trong khi các đối tượng được hỗ trợ đều khó khăn về kinh tế, khả năng huy động kinh phí tự xây dựng còn hạn chế, hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều hộ gia đình đề nghị thay đổi hình thức sửa chữa, xây mới; tâm lý, tín ngưỡng về việc lựa chọn phong thủy, tuổi làm nhà, thay đổi việc đăng ký và không đăng ký thực hiện trong năm với nhiều lý do khác nhau…

Đề án đã giúp nhiều hộ nghèo nhận được tiền hỗ trợ xây nhà mới, tuy nhiên cũng còn nhiều trường hợp chưa được hỗ trợ vì vướng quy định.

Tại các huyện Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hoá, Mường Lát, với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại đến tận hộ gia đình khó khăn nên ảnh hưởng đến công tác vận chuyển vật liệu làm nhà ở, dẫn đến chi phí xây dựng nhà ở tăng cao vượt quá khả năng cân đối nguồn kinh phí của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Đồng thời, kinh phí ngân sách của địa phương không có để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng nhà ở. Một số hộ đã đăng ký hỗ trợ nhà ở trên địa bàn thị trấn Lang Chánh hiện tại đang ở trên đất lâm nghiệp (đất 02) các hộ gia đình chưa làm được hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nên chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng nên khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 đối tượng áp dụng không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác. Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều hộ đã từng được hưởng hỗ trợ từ các chương trình, đề án, chính sách khác (như: Chương trình 134, 167...) nhưng vẫn nghèo và khó khăn về nhà ở.

Để tháo gỡ những khó khăn đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai đề án, Sở Xây dựng Thanh Hoá đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh và Bộ Xây dựng sớm nghiên cứu, xem xét điều chỉnh một số quy định để phù hợp với thực tế, đảm bảo việc hỗ trợ tốt hơn về nhà ở cho người dân.

Tác giả: Thành Phan

Nguồn tin: congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok