Trong tỉnh

Thanh Hóa: Hỗ trợ nhà ở cho người có công đúng đối tượng, đúng mục đích

Hỗ trợ nhà ở cho người có công, quan trọng nhất là phải đúng đối tượng, đúng mục đích. Đó là khẳng định của ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước khi trao đổi với PV về kết quả công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công (NCC) với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Là một trong những huyện miền núi khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, trong những năm qua, được sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp thông qua các chương trình 135, 167… dành cho các huyện đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, cùng với nỗ lực tự thân, Bá Thước đã xây dựng, sửa chữa nâng cấp được hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, nhà ở cho đối tượng chính sách, hộ nghèo trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều hộ NCC, hộ nghèo và cận nghèo đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, do đặc thù vùng miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế, Bá Thước vẫn còn khá nhiều hộ nghèo, trong đó có không ít trường hợp NCC cần được tiếp tục hỗ trợ về nhà ở.


Một số hoạt động hỗ trợ nhà ở cho NCC tại Bá Thước.

Trong bối cảnh trên, Quyết định 22 của Thủ tướng chính phủ “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở” có hiệu lực từ ngày 15/6/2013 được ban hành đã tạo thêm điều kiện cho Bá Thước trong việc giúp các gia đình NCC có điều kiện để “an cư lạc nghiệp”. Xác định đây là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đối với NCC, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của huyện đã được huy động cùng vào cuộc, mục tiêu nhằm đảm bảo việc bình xét, lập danh sách các hộ được hỗ trợ một cách khách quan, minh bạch và số tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng và được sử dụng đúng mục đích. Cùng với đó, tiến hành rà soát để lồng ghép, tránh trùng lắp với các chương trình hỗ trợ nhà ở khác đang triển khai trên địa bàn. Đồng thời vận động, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ về nhà ở đối với NCC…

Nhờ đó, sau một thời gian triển khai thực hiện, từ nguồn hỗ trợ của nhà nước, nguồn trích từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và huy động tham gia của cộng đồng. Đến nay toàn huyện đã làm mới, nâng cấp được tổng số 133 nhà cho đối tượng NCC với tổng kinh phí 3.605 triệu đồng. Trong đó, làm mới 87 nhà, kinh phí 2.685 triệu đồng, sửa chữa nâng cấp 46 nhà, kinh phí 920 triệu đồng. Đáng chú ý, mặc dù với số tiền không lớn dành cho mỗi hộ làm nhà ở mới, nhưng do có sự chung tay, góp sức của chính quyền từ thôn đến xã, của gia đình, dòng họ và bà con thôn, bản. Hầu hết các ngôi nhà mới đều được xây dựng khang trang, vững chãi, tường xây gạch, mái lợp ngói hoặc tôn lạnh, với diện tích nhỏ nhất từ 30m2 trở lên. Trong đó có không ít trường hợp, do huy động được sự đóng góp của cộng đồng và con cháu trong dòng họ nên đã làm mới được những ngôi nhà to đẹp, rộng rãi, diện tích lên tới 100m2, kinh phí hàng trăm triệu đồng.


Niềm vui của người dân ở Bá Thước khi được địa phương hỗ trợ xây nhà.

Tìm hiểu về kết quả thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ tại xã Điền Lư, chúng tôi được Bí thư Đảng ủy Lê Thanh Hải cho biết, toàn xã Điền Lư có 103 đối tượng NCC, trong đó nhiều hộ đã được hỗ trợ xây dựng, nâng cấp nhà từ những năm trước. Nhưng do thiên tai, thời tiết khắc nghiệt khiến một số nhà bị xuống cấp, hư hỏng, cộng thêm những hộ chưa được hỗ trợ về nhà ở nên số hộ NCC cần hỗ trợ về nhà ở của xã vẫn còn 12 hộ. Triển khai Quyết định 22 của Chính phủ, Điền Lư có 4 trường hợp được hỗ trợ về nhà ở (xây mới 2 nhà, sửa chữa 2 nhà), xã đã cùng với các thôn tiến hành rà soát, lựa chọn, lập danh sách các hộ cấp thiết hơn về nhà ở trong số 12 hộ cần hỗ trợ. Sau đó, đưa ra cộng đồng dân cư bình xét công khai, dân chủ để “chốt” lại 4 hộ được hỗ trợ đợt đầu tiên.

Cách làm này đã tạo nên sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân, kể cả những hộ thuộc diện NCC nhưng chưa được nhận hỗ trợ cũng hoàn toàn đồng tình. Vì thế, mặc dù chỉ với số tiền hỗ trợ không nhiều (20 triệu/hộ sửa chữa, 40 triệu/hộ làm mới), nhưng nhờ có sự tham gia ủng hộ của người thân, bà con xóm, bản và các đoàn thể xã hội từ thôn đến xã.

Với tinh thần “nhường cơm xẻ áo”, người có điều kiện thì giúp tiền, giúp vật liệu xây dựng, người không có điều kiện thì ủng hộ ngày công lao động, vận chuyển cát, sỏi… chỉ sau một thời gian ngắn tính từ ngày khởi công, cả 4 gia đình NCC của Điền Lư đã được sống trong những ngôi nhà khang trang, rộng rãi với trị giá lên tới cả trăm triệu đồng. Được hỏi về cảm nghĩ của mình khi có nhà mới, ông Hoàng Sỹ Tiết, thương binh chống Mỹ, đối tượng NCC của xã Điền Lư phấn khởi tâm sự: ngôi nhà mới là mơ ước bao năm của vợ chồng già chúng tôi. Nay nhờ sự quan tâm của nhà nước, của xã và bà con chòm xóm, vợ chồng tôi đã có nhà mới thay cho ngôi nhà cũ dột nát, ọp ẹp. Có nhà mới, chúng tôi sẽ cố gắng sống vui, sống khỏe, bảo ban, động viên con cháu chịu khó làm ăn, góp phần xây dựng quê hương.

Thực tế trên đã cho thấy, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho NCC đã đi vào cuộc sống, góp phần cải thiện, nâng cao điều kiện sống cho NCC với cách mạng, được chính quyền và nhân dân nhiệt tình ủng hộ và đón nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả rõ rệt, tích cực như đã nêu, vấn đề nhà ở cho đối tượng NCC vẫn đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được tháo gỡ, cụ thể như đối với Bá Thước. Số đối tượng NCC cần hỗ trợ về nhà ở vẫn còn rất lớn so với số đã được hỗ trợ (trên 1.300 hộ); đối tượng cần hỗ trợ hầu hết đều già yếu, neo đơn, mất sức lao động; nguồn vốn thực hiện chủ yếu dựa vào ngân sách, huy động từ xã hội còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa thật chặt chẽ; việc lồng ghép các chương trình, dự án còn chưa hợp lý nên hiệu quả chưa cao; một số hộ khi rà soát, lập danh sách thì chỉ thuộc diện sửa chữa, nâng cấp, nhưng khi dỡ nhà để phải làm mới do quá cũ nát.

Tác giả: Đào Nguyên

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok