Giáo dục

Đề trắc nghiệm khó kiểm tra tư duy, lập luận của học trò

Sở GD-ĐT TPHCM vừa ra hướng dẫn việc ra đề kiểm tra định kỳ trong trường THPT. Trong đó, nhấn mạnh các trường không được ra đề kiểm tra toàn bộ theo hình thức trắc nghiệm.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, việc sử dụng hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan trọn vẹn trong một bài kiểm tra, bài thi có nhiều ưu điểm khi thực hiện cho các kỳ kiểm tra, kỳ thi với số lượng thí sinh lớn, địa bàn rộng (kiểm tra toàn thành phố hoặc kỳ thi trong cả nước): bao quát được kiến thức cần kiểm tra, chấm thi nhanh và chính xác…

Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường THPT không được ra đề kiểm tra toàn bộ theo hình thức trắc nghiệm


Tuy nhiên, hình thức kiểm tra này có một số nhược điểm: khó kiểm tra được sự trình bày và lập luận, quá trình tư duy và tính toán, năng lực vận dụng và sáng tạo của học sinh; từ đó thiếu những thông tin phản hồi để điều chỉnh quá trình dạy học, giáo dục của giáo viên và nhà trường.

Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường không được ra đề kiểm tra toàn bộ theo hình thức trắc nghiệm.

Việc thực hiện các bài làm trọn vẹn theo hình thức trắc nghiệm khách quan hoặc theo bài trắc nghiệm khách quan gồm nhiều môn như hình thức thi THPT quốc gia chỉ thực hiện trong thời gian luyện tập cho học sinh, không lồng ghép vào các bài kiểm tra 1 tiết và kiểm tra học kỳ.

Cụ thể, đối với khối 12, đề kiểm tra 15 phút theo hình thức tự luận; kiểm tra 1 tiết theo hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận, tỉ lệ bài kiểm tra giữa hai hình thức này do nhà trường quy định. Môn Ngữ văn chỉ kiểm tra theo hình thức tự luận.

Ở khối 10, 11: đề kiểm tra 15 phút theo hình thức tự luận; đề kiểm tra 1 tiết: mỗi học kỳ chỉ tối đa 1 bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận (ở mỗi môn), các bài còn lại theo hình thức tự luận. Môn Ngữ văn cũng chỉ kiểm tra theo hình thức tự luận.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok