Theo thống kê của sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm mỏ khai thác khoáng sản như mỏ khai thác đá, cát, sỏi lòng sông, khai thác đất làm vật liệu xây dựng, quặng sắt, đồng... với trữ lượng hàng triệu tấn. Từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực đã tạo hiệu ứng tích cực trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; giải quyết được một số tồn tại hạn chế trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép.
Việc cấp phép hoạt động khoáng sản đã từng bước giảm bớt được cơ chế xin - cho thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thời hạn cấp phép dài hơn (cấp theo dự án, có thời gian không quá 30 năm), tạo điều kiện cho các đơn vị yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài.
Tính đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh và bộ TN&MT đã cấp 325 giấy phép khai thác khoáng sản cho các tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có 200 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường; 30 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp và đất san lấp có tận thu đất giàu sắt, đất giàu silic; 25 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông; 35 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp; 13 giấy phép khai thác đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch tuynel; 3 mỏ đá vôi, 4 mỏ đá sét, 1 mỏ cát silic phục vụ các nhà máy xi măng... Nhìn chung các đơn vị được cấp phép thực hiện khai thác theo quy hoạch, mang lại hiệu quả tích cực.
Đối với 25 mỏ khai thác cát, sỏi lòng sông dọc sông Mã và sông Chu được cấp phép khai thác đã và đang hoạt động sản xuất hiệu quả mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 600 lao động địa phương, đặc biệt nhiều lao động là người dân chài. Với 200 mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, cơ bản đáp ứng nhu cầu đá xây dựng phục vụ cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Ngoài phục vụ cho các công trình xây dựng dân dụng, một số mỏ còn tận thu được đá khối làm đá ốp lát. Các mỏ đất làm vật liệu san lấp và tận thu khoáng sản đi kèm, hoạt động khai thác tại các mỏ đáp ứng nhu cầu về vật liệu san lấp phục vụ các dự án xây dựng, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, đường nối Khu Kinh tế Nghi Sơn đến Cảng Hàng không Thọ Xuân, các dự án trong Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Để khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản có hiệu quả cao và bền vững trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực này cho đội ngũ cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước và người dân; quan tâm rà soát nắm rõ quy hoạch để có sự đánh giá sát với thực tế, tránh thất thoát tài nguyên.
Theo M.A (monre.gov.vn)
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Người đưa tin