Giáo dục

Đào tạo 'chuẩn' giáo viên

Bộ GD&ĐT mới đây đã công bố Dự thảo để xin ý kiến xã hội về chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông.

Giáo viên phổ thông phải đạt 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất, giáo viên phổ thông phải đạt 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí. Ngoài yêu cầu về năng lực chuyên môn, tiêu chuẩn về phẩm chất nghề nghiệp của các nhà giáo cũng được coi trọng. Từ bộ tiêu chí này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thời gian qua tình trạng bạo lực học đường từ phía người thầy đã đặt ra vấn đề: Các trường đào tạo sư phạm cũng phải có trách nhiệm với những sản phẩm của mình.

Coi trọng phẩm chất nghề nghiệp

5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí đối với giáo viên phổ thông như vừa đề cập ở trên bao gồm: Phẩm chất nghề nghiệp (2 tiêu chí); Năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin (3 tiêu chí); Năng lực nghiệp vụ sư phạm (4 tiêu chí); Năng lực xây dựng, thực hiện môi trường giáo dục dân chủ (3 tiêu chí); Năng lực xây dựng các quan hệ xã hội (3 tiêu chí)… Trong đó, phẩm chất nghề nghiệp của nhà giáo được đặt lên hàng đầu với các yêu cầu: Mẫu mực với học sinh, lối sống lành mạnh, văn minh, chuẩn mực, tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, ứng xử thân thiện với học sinh... Theo tinh thần Dự thảo này, cứ định kỳ 3 năm/lần nhà trường sẽ tổ chức đánh giá giáo viên theo chuẩn.

Tất nhiên, đó là những quy định khung để đánh giá giáo viên. Nếu tất cả các giáo viên cùng đạt và vượt chuẩn, môi trường giáo dục sẽ thực sự là nơi dạy chữ- rèn người mẫu mực. Nhưng thật tiếc, những ồn ào về bạo lực học đường thời gian qua chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều chuyên gia lên tiếng đăt vấn đề: Vậy môi trường đào tạo sư phạm tác động đến “chuẩn” giáo viên phổ thông ra sao…

TS Nguyễn Ngọc Ân- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phân tích, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những hành vi ứng xử không chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật giữa phụ huynh, giáo viên và học sinh. Có những nguyên nhân từ xã hội với lối sống thiếu kỷ cương, không mẫu mực trong việc chấp hành luật pháp, nhận thức pháp luật còn hạn chế của khá nhiều người. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, các nhà trường cần thiết phải tập huấn lại cho giáo viên hiểu và biết cách sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực - một nội dung mà Bộ GD&ĐT đã triển khai từ lâu nhưng hình như thời gian gần đây đang bị lãng quên trong các nhà trường.

Bày tỏ quan điểm trước những hành xử chưa đúng mực của một số giáo viên thời gian qua, nhiều bậc phụ huynh bức xúc lên tiếng, giáo viên cũng cần phải học môn đạo đức. Theo cái lý của phụ huynh, hôm nay có thể là chuyện của thầy/cô với bạn A, bạn B, nhưng rất có thể một ngày nào đó, sự việc lại xảy ra việc với chính con em họ.

Chú trọng việc hành nghề dạy học

Theo TS Nguyễn Ngọc Ân, hiện nay, trong các cơ sở đào tạo giáo viên, việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm đã được coi trọng đúng chưa và hiệu quả của các học phần tâm lý giáo dục như thế nào- đây vẫn là một câu hỏi ngỏ. Phần lớn sinh viên trong quá trình học tập tại trường đều chú trọng nhiều đến kiến thức chuyên ngành mà chưa nhận thức được tầm quan trọng của các yếu tố hành nghề dạy học. Vì thế, bản thân họ không dành nhiều sự quan tâm về mặt kỹ năng nghề khi đảm nhiệm những công việc của một giáo viên thực sự.

Do đó, quan điểm chung của các chuyên gia giáo dục: Trước những hiện tượng bạo lực học đường thời gian qua, Bộ GD&ĐT cần gấp rút chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các nội dung đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở các trường sư phạm từ trung ương tới địa phương theo hướng tăng cường, phong phú hóa các nội dung liên quan đến giáo dục và bồi dưỡng cho sinh viên sư phạm về đạo đức nhà giáo, vai trò và trách nhiệm của người giáo viên, ý nghĩa của giáo dục trong việc hình thành nhân cách học sinh, các nguyên tắc của hoạt động giáo dục đi liền với cách giao tiếp, ứng xử sư phạm phù hợp tương ứng.

Cùng với đó là việc xử lý nghiêm những nhà giáo vi phạm đạo đức và nguyên tắc nghề nghiệp. Khi giáo viên hoặc nhà trường có lỗi, phải thẳng thắn kiểm điểm và nhận sai trước phụ huynh/dư luận. Nhận sai để sửa chữa, ngăn ngừa những nguy cơ, những vụ việc tương tự lặp lại ở mức độ khác, tình huống khác…

Mới đây, tại cuộc họp với nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng: Nguyên nhân dẫn tới những trường hợp cá biệt giáo viên vi phạm đạo đức vừa qua là trong chương trình, quá trình đào tạo giáo viên hiện nay vẫn còn để “trống” mảng đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên; giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn...

Vì vậy, để nâng cao văn hóa ứng xử học đường, góp phần làm giảm bạo lực trong môi trường giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, Bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông phải được ban hành trước năm học mới 2018-2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới.

Tác giả: Bảo Thoa

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

  Từ khóa: Đào tạo , giáo viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok