Giáo dục

Giáo viên cần sự sẻ chia, sát cánh của phụ huynh

Nếu quý vị phụ huynh luôn hợp tác, sẻ chia, cảm thông, đồng hành với giáo viên để cùng giáo dục, quản lí con em trong thời gian các cháu ở trường, lớp thì chắc chắn công tác giáo dục thế hệ trẻ sẽ thành như mong đợi, các em sẽ sớm trở thành nhưng công dân hữu ích của quê hương, đất nước.

Thời đại công nghệ 4.0 đã làm cho quý phụ huynh nắm bắt nhanh, kịp thời thông tin, nhưng độ chính xác, đáng tin cậy thì cần phải bình tĩnh rà soát lại kỹ lưỡng trước khi gửi đơn đến các cơ quan chức năng để kiện về vấn đề con em mình bị xâm phạm thân thể, nhân phẩm.

Chưa bao giờ mà cơn mưa đơn kiện của phụ huynh nhiều đến như hôm nay. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể số lượng đơn thưa kiện mà các bậc phụ huynh gửi tới các trường học, phòng giáo dục, sở giáo dục…trong cả nước, liên quan đến vấn đề con em họ bị “tra tấn”, bị “hỏi cung” tại trường học.

Chắc chắn một điều, ít nhiều các trường học đều có đơn thưa kiện, nhưng có trường do có nghệ thuật, giải quyết khủng hoảng nên được…an toàn; có trường thiếu may mắn, do “kém duyên” nên bị báo, đài phanh phui mổ xẻ, dư luận cật lực lên án.

Đối với giáo viên, bất luận ở thời đại nào, giai đoạn lịch sử nào đều luôn coi việc dạy và học là một quá trình song phương, xem quý phụ huynh là kênh thông tin quan trọng, là lực lượng phối hợp đáng tin cậy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ “trồng người” để góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục.

Nhưng, với “cơn mưa” đơn thưa gửi nhiều cấp số nhân của quý vị phụ huynh như hiện nay thì đội ngũ giáo viên và những người làm công tác giáo dục ít nhiều đã bị nhụt chí, cũng phải thận trọng, dè chừng, nếu không muốn nói là luôn đề cao cảnh giác trong công tác.

Bởi, chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh thì “tai nạn nghề nghiệp” ập đến ngay lập tức, và giáo viên đó phải âm thầm lặng lẽ ra đi. Đã có trường hợp, giáo viên có trên 30 năm cống hiến với ngành nhưng tại một phút nông nổi, không kiềm chế bản tính nóng nảy, đánh học sinh mấy roi tím mông thì phải tức tốc “rời nhiệm sở”.

Nhất là trong bối cảnh “nhạy cảm” như hiện nay, với chủ trương tinh giản biên chế mà ngành giáo dục đang triển khai thực hiện rầm rộ, thì những sai sót dù lớn, dù nhỏ của giáo viên cũng được xem xét, đưa vào diện “quy hoạch” trong đối tượng để tinh giản.

Thú thật, giáo viên như chúng tôi chưa bao giờ có cảm giác nặng nề, bị áp lực như hôm nay. “Nặng” không phải vì giáo án hay hồ sơ sổ sách, mà nặng vì luôn nơm nớp lo sợ bị “tai nạn nghề nghiệp” có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Bước vào lớp học như bước vào trận chiến, đầu óc căng thẳng, luôn đặt trong trạng thái đối phó với những tình huống bất trắc, khó lường có thể xảy ra. Xong buổi dạy mới thở phào nhẹ nhõm, rồi tự nhủ lòng, hôm nay chí ít mình cũng được “an toàn”, sáng hôm sau lên lớp lại căng thẳng, áp lực cũng không hơn không kém hôm qua.

Cứ bảo nghề giáo là thanh nhàn? Quan điểm đó chỉ phù hợp cách đây khoảng mười năm về trước, còn bây giờ… Ai bảo nghề giáo là nghề cao quý? Cao quý làm sao khi giáo viên bị học sinh bóp cổ, giáo viên bị phụ huynh phạt bắt quỳ. Suy ngẫm thật buồn da diết, xót thương cho phận làm “ông giáo” trong giai đoạn hiện nay vì phải luôn đối phó đủ điều.

Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” ngàn đời của dân tộc đang bị xói mòn nghiêm trọng khi mà một số phụ huynh xem thường, coi rẻ giáo viên, họ đã có những hành xử thô bạo, thiếu tính nhân văn, xa rời đạo đức truyền thống dân tộc.

Một khi cha mẹ học sinh coi thường giáo viên, thì thử nghĩ, các em có có còn tôn trọng thầy cô của mình, và lời nói của thầy cô trên bục giảng liệu có còn trọng lượng? Hay mặc kệ, mức độ cảm thụ tính nghệ thuật, thẩm mỹ bao nhiêu; tiếp nhận dung lượng kiến thức nhiều hay ít là tùy vào khả năng, ý thức của từng học sinh.

Giáo viên bây giờ đã bị tước hết công cụ tối thiểu cần phải có, chẳng khác gì người lính xung trận nhưng trên tay không một tấc sắt. Thêm nữa, lối nhận thức mang tính “trịch thượng” của một số phụ huynh trong quan hệ với giáo viên, nhà trường như hiện nay đã đã đẩy giáo viên rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đúng học sinh bây giờ là thượng đế - không ai dám động đến, và phụ huynh là “thiên tử” nên thầy cô cũng phải “nịnh”.

Còn nhớ, hai, ba chục năm trước đây, khi ngành Giáo dục của chúng ta chưa đặt nặng “căn bệnh thành tích”, không áp đặt chỉ tiêu, không thế này thế kia…nhưng anh chị em giáo viên chúng tôi vẫn dạy tốt, lên lớp rất thanh thản tâm hồn, không bị gò bó nhưng làm việc có hiệu quả; nhiều thế hệ học sinh rời trường “không thành công cũng thành nhân”, lúc đó thầy ra thầy, trò ra trò, không có chuyện quan hệ thầy - trò như ... như hôm nay.

Có lần, một học sinh tên N. lớp 9 được coi là cá biệt hàng nhất, nhì trong trường, em ngổ ngáo đến mức không thể kiềm chế, tôi gọi lên bảng cho một bớp tai, em đứng nghiêm cúi đầu.

Nhớ lại, đánh không phải vì ghét bỏ em, bởi tự đáy lòng tôi rất quan tâm, thương yêu học sinh đó như con của mình. Nay em N đã có vợ con, việc làm ổn định, kinh tế rất khá giả. Tuy lớn thế mà mỗi lần gặp tôi, em N lễ phép cúi đầu chào. Chao ôi! Nghĩ mà thèm tình cảm thầy trò thuở xưa!

Trở lại câu chuyện “cơn mưa” đơn kiện của phụ huynh theo hiệu ứng đám đông đã ít nhiều làm giáo viên nhụt chí. Chúng tôi hoàn toàn không cổ súy việc dùng roi vọt đánh đập học sinh, nhưng chúng tôi có quyền tin tưởng rằng, nếu quý vị phụ huynh luôn hợp tác, sẻ chia, cảm thông, đồng hành với giáo viên để cùng giáo dục, quản lí con em trong thời gian các em ở trường, lớp thì chắc chắn công tác giáo dục thế hệ trẻ sẽ thành công mỹ mãn, các em sẽ sớm trở thành nhưng công dân hữu ích của quê hương, đất nước.

Tác giả: Võ Văn Dần

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok