Hình minh họa: GettyImages |
Chị đã từng ly hôn, không phải vì chị không yêu chồng, cũng không phải do chồng không tốt. Mà chỉ là vì từ khi về nhà chồng chị thấy mình đơn độc, đơn độc như một người ngoài đến nhà chồng ở trọ.
Ngày chị yêu anh, anh luôn nói rằng anh muốn cả cuộc đời được sánh vai, được san sẻ những nỗi buồn vui cùng chị. Nhưng anh lại là một người con không bao giờ muốn thấy mẹ mình buồn. Sự mâu thuẫn giữa chị với mẹ chồng bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt của đàn bà trong cách ăn, cách ở, đến quan điểm thế hệ, đến cách nuôi dạy con.
Mẹ chồng chị góa bụa từ sớm, một tay bà nuôi con rồi lo việc trong ngoài. Có lẽ vì vậy mà tính bà cũng có chút gia trưởng, độc đoán, thích áp đặt người khác. Chị như hầu hết những cô dâu trẻ khác, hiện đại và phóng khoáng, có nhu cầu được người khác tôn trọng lối nghĩ và cách sống, nếu cần vẫn sẵn sàng tranh cãi để bảo vệ quan điểm. Gia đình, lúc một người nóng nảy nhất thiết một người phải nhẫn nhịn mới êm cửa êm nhà. Đó là lý do mâu thuẫn giữa chị và mẹ chồng luôn như núi lửa cháy âm ỉ chỉ cần một lí do là bủng nổ.
Chồng chị thương mẹ và yêu vợ, thường trong các cuộc tranh cãi không biết nên đứng về phe nào. Vậy nên anh thường bỏ ra ngoài để hai người đàn bà trong nhà tự giải quyết với nhau, hoặc anh có can ngăn cũng chỉ là hét lên vài câu thể hiện sự mệt mỏi.
Rồi một ngày, chị nói với mẹ chồng chị không hài lòng với việc bà nuông chiều cháu, cung phụng những đòi hỏi vô lý của cháu mọi lúc, mọi nơi, vô điều kiện. Chị muốn bà không can thiệp vào mỗi lúc chị bày dạy cho con. Mẹ chồng chị vừa thấy con trai mình bước vào nhà đã gào khóc bảo “Thời đại này sao oái oăm, bà thương cháu thì bị cho là làm hại cháu. Đến yêu chiều cháu cũng bị con dâu cấm đoán khó khăn”. Chồng chị chưa hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao liền lao đến cho vợ một bạt tai.
Chị ngỡ ngàng nhìn anh:
- Tại sao anh lại đánh em?
- Vì đó là mẹ tôi. Đó là người sinh ra và nuôi dưỡng chồng cô đấy. Cô không được phép hỗn láo với bà.
Cuộc hôn nhân của chị kết thúc kể từ ngày hôm đó.
Đàn ông, người trụ cột mạnh mẽ nhất trong nhà, kì lạ lại luôn loay hoay giữa mâu thuẫn của những người phụ nữ. Tôi cứ nghĩ thực ra làm người hòa giải giữa những người mà mình yêu thương có thật sự là việc khó khăn, hay bản thân mỗi người đàn ông vẫn thực sự không coi mối quan hệ vợ chồng là thứ tối quan trọng.
Đàn ông thường hét lên: Em phải thế này, em không được thế kia, vì đó là mẹ anh. Vậy người phụ nữ đã từ bỏ cả gia đình để đến sống với anh, vì anh mà chịu khó, vì anh mà hi sinh, vì anh mà chịu bao nhiêu đau đớn, và cả tủi nhục. Họ là ai? Là vợ anh chứ còn ai nữa.
Có bao nhiêu người đàn ông thấy mẹ mình khắt khe với vợ mà dám nói một câu: “Mẹ hãy dễ dãi và bao dung với cô ấy một tý, vì dù sao đi nữa cô ấy cũng là vợ con”. Có bao nhiêu người đàn ông nghĩ rằng, mẹ chỉ có một, một người vợ thực sự vì mình, yêu thương mình cũng không dễ kiếm.
Hôm qua tôi ngồi cà phê với một người bạn cũ. Anh ấy là người khá giỏi giang, có tham vọng, có lập trường và cũng hơi có chút gia trưởng. Anh nói rằng vợ anh khá bừa bộn nên anh hay bực mình mỗi khi về nhà, rằng vợ anh là người phụ nữ quá thật thà, đôi lúc anh ước chi vợ anh khéo léo một chút, rằng sau này con trai mình lớn lên, anh sẽ nói với con mình rằng “có một người vợ nấu ăn ngon cũng rất quan trọng” vì vợ anh nấu ăn quá dở.
Tôi hỏi anh: Nếu ngày yêu nhau anh biết vợ anh nấu ăn không ngon, nói năng không khéo léo thâm sâu, anh có bỏ cô ấy không? Anh ấy im lặng một lúc rồi bảo: Thực ra những nhược điểm đó anh biết trước khi cưới, có lẽ anh đã đòi hỏi vợ mình quá nhiều rồi. Dù cô ấy có thế nào đi nữa thì đó cũng là cô gái anh đã chọn, đó là vợ của anh, phải không?
Khi một người đàn ông ngỏ ý với người phụ nữ anh ấy yêu rằng: “Em có muốn làm vợ anh không?” ắt hẳn không phải chỉ để được sống trong một ngôi nhà gọn gàng, ngăn nắp, không phải chỉ để được ăn những bữa ăn ngon, không phải để mình muốn làm gì thì làm không bị ai càu nhàu, trách móc, mà là vì họ nghĩ đó là người họ muốn sống chung, muốn san sẻ những niềm vui nỗi buồn, và cả những lo âu gánh nặng.
Vậy thì vì lý do gì sau đó họ lại đẩy hết trách nhiệm lên vai của người đàn bà, coi đó như là một thứ bổn phận còn mình chỉ như một ông chủ khó tính mỗi khi bước về nhà. Ngay cả khi vợ mình đúng đi chăng nữa cũng không thể mạnh mẽ đứng ra nói đỡ cho vợ một câu, phải chăng vì suy nghĩ “mẹ chỉ có một trên đời, còn vợ thì dễ kiếm”?
Đàn ông vẫn hay than phiền rằng phụ nữ rất khó hiểu, thực ra phụ nữ không hề khó hiểu. Họ chỉ cần sẻ chia, họ chỉ cần thấu hiểu. Họ cần một tấm lá chắn để chở che mỗi khi bị ai đó dồn vào thế yếu, và một người có thể bao dung cho cả những khiếm khuyết, sai lầm của họ.
Với đàn ông, để làm những điều đó có gì là khó, khi đó là vợ mình.
Tác giả: Lê Giang
Nguồn tin: Báo Dân trí