Pháp luật

Cựu Phó giám đốc BIDV CN Gia Định dính án vì…tai nạn nghề nghiệp

Cho rằng mình không làm sai theo luật Tổ chức tín dụng (TCTD), không đồng phạm với Phạm Công Danh và Trần Hiệp, cựu Phó giám đốc BIDV CN Gia Định cho rằng mình “không đủ tư cách để tham gia cuộc chơi quá lớn”.

Sáng ngày 26/1, phiên xét xử tiếp tục với phần bào chữa của luật sư đối với các bị cáo nguyên là cựu lãnh đạo, cán bộ của Ngân hàng BIDV.

"Bị cáo không đủ tư cách để tham gia cuộc chơi quá lớn"

Theo cáo buộc, bị cáo Hoàng Long Hà (nguyên Phó giám đốc BIDV CN Gia Định); Nguyễn Ngọc Sơn (nguyên trưởng Phòng KHDN1, BIDV CN Gia Định) và Nguyễn Vũ Bảo (nguyên chuyên viên Phòng KHDN1, BIDV CN Gia Định), chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, tiếp xúc khách hàng, kiểm tra hồ sơ...giải ngân cho công ty Phong Hiệp vay 430 tỷ đồng.

Các bị cáo biết rõ VNCB bảo lãnh cho Trần Hiệp (là thành viên HĐQT VNCB) vay tiền tại BIDV là vi phạm luật TCTD. Các bị cáo vẫn cho vay dẫn đến hậu quả công ty Phong Hiệp không trả được nợ và BIDV thu nợ bằng tiền gửi của VNCB tại BIDV gây thiệt hại cho VNCB 337 tỷ đồng.

Các bị cáo tại tòa

Dù các bị cáo đều được đề nghị án treo, nhưng các luật sư đều không đồng tình với cáo buộc của VKS cho rằng các bị cáo là đồng phạm của Phạm Công Danh.

Theo luật sư bảo vệ cho bị cáo Sơn, mức án là nhẹ nhưng đó cũng là án tích. Hành vi của bị cáo chưa rõ, do đó luật sư muốn trình bày để HĐXX xem xét, đánh giá đúng bản chất của hành vi và đúng quy định của pháp luật để bị cáo đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp.

Theo luật sư, Công ty Phong Hiệp là công ty đã được cấp giấy phép hoạt động và đã hoạt động được 3 năm trước thời điểm vay vốn của BIDV. Công ty này cũng có hoạt động khá hiệu quả, do vậy khẳng định đó là công ty với tư cách pháp nhân chứ không phải cá nhân ông Trần Hiệp đi vay vốn.

Cáo trạng quy buộc các cựu cán bộ BIDV Gia Định vi phạm luật TCTD, theo luật sư thì điều đó là chưa thỏa đáng.

Cũng đồng quan điểm với luật sư của bị cáo Sơn, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Long Hà không đồng ý với cáo buộc của cáo trạng rằng bị cáo đã đồng phạm với bị cáo Danh và bị cáo Trần Hiệp (giám đốc công ty Phong Hiệp).

Hơn nữa, bị cáo cũng không biết người có tên Trần Hiệp trong HĐQT của VNCB là ông Trần Hiệp của công ty Phong Hiệp vì chữ ký ở 2 nơi hoàn toàn khác nhau.

Bổ sung bào chữa của các luật sư, bị cáo Hoàng Long Hà mong HĐXX xem xét vì bị cáo không làm gì sai, “Bị cáo đề nghị HĐXX xem xét vì bị cáo không đủ tư cách để tham gia cuộc chơi quá lớn như cáo buộc”, bị cáo Hà trình bày.

Theo bị cáo, trong quy định tại điều 126 Luật TCTD 2010 cũng chưa rõ ràng để nói rằng bị cáo sai sót. “Bị cáo rất tuân thủ quy định của pháp luật, nếu sai sót nếu có thì đó chỉ là tai nạn nghề nghiệp, là sai sót trong quá trình làm việc”, bị cáo Hà trần tình.

Bị cáo Hà cho rằng, đây là tai nạn không may mắn với bị cáo. Một trong những không may mắn đó là trong số 12 doanh nghiệp, chỉ có ông Trần Hiệp có bằng đại học.

Trả lại tiền cho CB Bank là tạo tiền lệ xấu?

Trình bày quan điểm, kiến nghị về phần dân sự liên quan tới kiến nghị của đại diện VKS về việc đề nghị 3 ngân hàng BIDV, Sacombank và TPbank trả lại số tiền 6.126 tỷ cho CB Bank, đại diện Sacombank cho rằng, hai ngân hàng (Sacombank và VNCB) đã hoàn tất các giao dịch trước khi vụ án xảy ra, không có phát sinh vấn đề gì và thực hiện đúng quy định của pháp luật, luật TCTD, cũng như các nghị định, quy định khác của Chính phủ.

Việc VNCB gửi tiền gửi thanh toán tại Sacombank đã được đại diện tổ giám sát phê duyệt trên tờ trình. Đến nay đã quá 3 năm, các yêu cầu bồi thường là quá thời hạn. Việc đề nghị thu hồi tiền là không có cơ sở, ảnh hưởng đến hoạt động của Sacombank, ảnh hưởng tới quyền của các TCTD, có thể ảnh hưởng đến hoạt động chung và xáo trộn môi trường kinh doanh, ảnh hưởng tới đến niềm tin của khách hàng với Sacombank nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.

Ngân hàng Đại Tín sau là VNCB và nay là CB, phải kế thừa toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của ngân hàng cũ.

Qua các phần xét hỏi, bài bào chữa tại tòa đều thể hiện cấp quản lý của VNCB dùng tài sản ngân hàng là tiền gửi để bảo lãnh cho các khoản vay tại Sacombank dẫn tới thiệt hại cho VNCB thì đó là lỗi của VNCB nay là CB Bank.

Nay CB Bank có 100% vốn sở hữu của Nhà nước, theo quy định, mọi tổ chức kinh tế có quyền lợi ngang nhau, mà một ngân hàng của Nhà nước như vậy lại yêu cầu bồi thường cho việc mà do VNCB gây ra là tiền lệ xấu, gây hậu quả khôn lường.

Sacombank không thể trả tiền cho việc làm hợp pháp của mình cách đây 4 năm và Sacombank cũng không thể giải thích cho các cổ đông vì sao lại phải trả tiền cho việc mà mình không làm sai.

Ngoài ra, đại diện Sacombank cũng đề nghị không thu hồi số tiền hơn 1.800 tỷ của Sacombank liên quan đến giao dịch hợp pháp giữa Sacombank và VNCB. Đề nghị không tuyên 3 cán bộ của Sacombank phạm tội và đề nghị khi tuyên án xem xét giảm nhẹ mức án với Trầm Bê và Phan Huy Khang vì hai bị cáo này vô tình phạm tội, không tư lợi cá nhân.

Cũng đồng quan điểm với Sacombank, đại diện TPbank cho rằng không có cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn nào đối với quan điểm nêu trên, đồng thời nếu quan điểm này trở thành hiện thực sẽ tạo nên một tiền lệ nguy hiểm cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Bởi, giao dịch gửi tiền - nhận tiền gửi, bảo lãnh – nhận bảo lãnh, cầm cố tiền gửi - nhận cầm cố tiền gửi là những giao dịch được thực hiện giữa TPBank và VNCB với tư cách là 2 ngân hàng thương mại cổ phần, không phải giao dịch giữa TPBank với cá nhân Phạm Công Danh và đồng phạm.

Việc VNCB bị TPBank trích nợ tự động số tiền hơn 1.736 tỷ đồng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho 11 công ty là phù hợp quy định pháp luật và thỏa thuận giữa các bên.

Tác giả: Đoàn Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok