Cuộc đổ bộ của hàng loạt “ông lớn”
Thanh Hóa là tỉnh lớn thứ 5 cả nước về diện tích tự nhiên, thứ 3 về quy mô dân số (trên 3,7 triệu người). Thanh Hoá có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái như trung du, miền núi, đồng bằng, miền biển; tài nguyên phong phú, đa dạng; hệ thống giao thông thuận tiện, đầy đủ các loại hình, thuận tiện kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, các tỉnh duyên hải miền Trung… Nơi đây hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, nhất là các ngành công nghiệp, cảng biển, logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao.
Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong những năm vừa qua, khi GRDP giai đoạn 2016 – 2019 đạt 12,6%, gấp 1,6 lần bình quân cả nước, cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng, thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hàng năm 12,3%.
Đặc biệt, năm 2019 nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa có bước đột phá mới, tăng trưởng GRDP đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay, trong đó tăng trưởng ngành công nghiệp, xây dựng đạt 21.87%, GRDP bình quân đầu người đạt 2.325 USD.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet) |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 25.943 doanh nghiệp thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký ước đạt 145.507 tỷ đồng, gấp 8,9 lần về số doanh nghiệp và gấp 37,5 lần về số vốn đăng ký so với năm 2005. Trong số 25.943 doanh nghiệp đăng ký thành lập, có khoảng 17.274 doanh nghiệp đang hoạt động, gấp 9,8 lần so với năm 2019 , đạt 4,8 doanh nghiệp/1.000 dân. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 132 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,2 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài... đó là những con số minh chứng cho những chủ trương, quyết sách đúng đắn của tỉnh Thanh Hóa.
Dự kiến, thời gian tới sẽ có 36 dự án quy mô lớn kêu gọi đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020-2025 gồm các lĩnh vực: Công nghiệp, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nông nghiệp, y tế. Tổng mức đầu tư dự khoảng trên 5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, những nhà đầu tư lớn đang ồ ạt đổ về Thanh Hóa để đầu tư các dự án BĐS như FLC, Vingroup, Sungroup, Eurowindow, T&T… cùng với đó là những “ông lớn” ở địa phương như Tổng công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Trung, HUD1, Công ty Minh Hương, Công ty TNHH Ngọc Sao Thuỷ, Công ty Đông Bắc… cũng đã tham gia vào thị trường này làm cho làn sóng đầu tư BĐS tại đây phát triển như vũ bão.
Sẽ "nóng" trong thời gian tới
Những tháng gần đây, thị trường BĐS Thanh Hóa đón nhận thêm nguồn cung mới bởi các dự án trúng đấu giá có quy mô, vốn đầu tư lớn, vị trí đẹp... điều này sẽ khiến thị trường BĐS ở đây trở nên sôi động hơn ở tất cả các phân khúc và được đánh giá sẽ "nóng" lên trong thời gian tới.
Ngoài các dự án đang được phân phối thì thị trường BĐS ở đây còn đón nhận khá nhiều các dự án đã được chấp thuận đầu tư, tổ chức đấu thầu, đã khởi công xây dựng và dần đi vào hoàn thiện đang khiến thị trường sôi động trở lại, thu hút khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu và xuống tiền.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam |
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, nhu cầu đầu tư vào BĐS trên toàn thị trường hiện nay vẫn có hấp lực rất mạnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm kinh tế, dẫn đến sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với sản phẩm tại các dự án BĐS có sự sụt giảm đáng kể.
Theo ông Đính, Thanh Hóa là tỉnh được các doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư phát triển hạ tầng khá mạnh và ghi nhận sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư mạnh mẽ qua các dự án đấu giá đất tại các địa phương này, bất chấp đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp. Theo báo cáo từ văn phòng Hội Môi giới BĐS, tại Thanh Hoá đã thành công vài chục dự án đấu giá đất với hàng trăm sản phẩm đã được đấu giá thành công.
Ông Đính cho rằng, hiện nay, nhu cầu du lịch ở Thanh Hóa nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ nói chung không chỉ dừng lại ở tắm biển, nghỉ mát mà thực sự đã và đang phát triển đa dạng như: Nghỉ dưỡng, trải nghiệm, giải trí, hội nghị… Do vậy, xu hướng phát triển các khu du lịch phức hợp với đa dạng tiện ích, chức năng đa dạng thay thế dần các khu khách sạn chỉ đến ngủ và tắm biển. Đó cũng là giải pháp để thu hút mọi nhu cầu du lịch cho quanh năm.
Về tình trạng các dự án BĐS chưa đầy đủ pháp lý, hạ tầng chưa hoàn thiện… nhưng chủ đầu tư và các sàn giao dịch vẫn quảng cáo và mở bán rầm rộ dưới hình thức “góp vốn”, ông Đính nhận định, đây cũng chính là vấn đề thời sự nóng hiện nay. Nguyên nhân cơ bản là thị trường đang thiếu nhiều nguồn cung từ các dự án bất động sản do tình trạng thanh kiểm tra hàng loạt và sự chậm chạp, trì trệ của hầu hết cơ quan chức năng các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường cao, hàng hoá thiếu, các chủ đầu tư bị áp lực phải thu hồi vốn trả nợ, dẫn đến hiện tượng trên.
Chuyên gia Nguyễn Văn Đính chia sẻ, các nhà đầu tư cần phải chú ý một số vấn đề khi tham gia đầu tư BĐS ở khu vực này như: Dự án phải tối thiểu hoàn thành đồng bộ GPMB, tốt nhất đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và có văn bản cho phép huy động vốn của Sở Xây dựng; Dự án không vay vốn, thế chấp ngân hàng; Năng lực, uy tín và thương hiệu của chủ đầu tư; Không nên đặt cọc hoặc đăng ký mua với số lượng quá nhiều tiền; Giải pháp đảm bảo nhất là nhờ ngân hàng thực hiện giải pháp kỹ quý đảm bảo tại ngân hàng và khi dự án được bán thì chuyển khoản tiền ký quỹ đó thành nộp tiền mua nhà.
Tác giả: Văn Dũng
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư