Kinh tế

Cổ phiếu công ty gạo bứt phá, tăng giá gần gấp 3 sau tin Ấn Độ cấm xuất khẩu

Theo báo Người lao động, giá cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực miền Nam - Công ty CP (Vinafood 2) tăng rất mạnh trong một vài tuần trở lại đây. Cụ thể, cổ phiếu này đã chính thức bước vào sóng tăng từ ngày 21/7 đến nay, từ 8.000 đồng nhảy vọt lên 22.000 đồng tính hết phiên giao dịch sáng nay 2/8, tức đã tăng gần gấp 3 lần.

Đáng chú ý, đây cũng là mức giá cao nhất của VSF kể từ khi doanh nghiệp này đăng ký giao dịch trên UPCOM vào tháng 4/2018. Vốn hóa thị trường cũng tăng thêm 3.200 tỷ đồng sau một tuần để lần đầu vươn lên mức 5.475 tỷ đồng. Thanh khoản cũng cải thiện đáng kể từ vài nghìn lên đến trăm nghìn cổ phiếu khớp lệnh. Thậm chí phiên 1/8 khối lượng khớp lệnh đạt kỷ lục ở mức hơn 500.000 đơn vị.

1 cổ phiếu ngành gạo bứt phá tăng giá gần gấp 3 sau tin Ấn Độ cấm xuất khẩu.

Không chỉ bứt phá trên thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh của Vinafood 2 cũng tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo tài chính quý II/2023 và 6 tháng đầu năm 2023, trong quý II, Vinafood 2 ghi nhận doanh thu 6.867 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 9,43 tỷ đồng, gấp 2,13 lần so với cùng kỳ năm ngoái (4,42 tỷ đồng).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu Vinafood 2 đạt 11.337 tỷ đồng, tăng gần 58% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 9,95 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (4,9 tỷ đồng).

Theo tạp chí Nhà đầu tư, cùng với diễn biến tích cực của thị trường chung, một số cổ phiếu nhóm gạo cũng bứt phá mạnh tại thời điểm cuối tháng 7, điển hình như TAR (+6,19%), LTG (+7,63%), AGM (+7,06%), PAN (+3,11%), BLT (+3,12%), AFX (+4,69%),…Tính riêng một tháng trở lại đây nhiều mã nhóm này đã tăng rất mạnh, như TAR tăng hơn 42% lên mức 22.300 đồng/cổ phiếu, LTG cũng tăng 30,3% lên 39.400 đồng/cổ phiếu.

Còn nếu xét rộng hơn từ vùng đáy tháng 11/2022 tới nay, hầu hết các mã cổ phiếu gạo đều tăng trưởng mạnh về giá với mức tăng hàng chục %, như PAN tăng 80%, thậm chí LTG, TAR còn tăng bằng lần.

Theo giới phân tích, sở dĩ nhóm cổ phiếu ngành gạo thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong thời gian qua nhờ hưởng lợi từ một loạt thông tin hỗ trợ ngành như giá lương thực tăng cao trong bối cảnh El Nino xuất hiện và có khả năng kéo dài sang năm 2024 đe dọa đến nguồn cung lương thực toàn cầu.

Gần đây nhất, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đột ngột ban hành lệnh cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo trắng không thuộc giống Basmati… Động thái mới này của Ấn Độ trong bối cảnh El Nino diễn biến phức tạp sẽ có những ảnh hưởng nhất định lên thị trường gạo thế giới, trong đó có ngành gạo Việt Nam. Ngoài ra, mới đây Nga và UAE cùng thông báo cấm xuất khẩu một số loại gạo.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng nhận định, ngành gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi như nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị thiệt hại và hạn hán do sự xuất hiện của El Nino đẩy giá gạo lên cao. Giá xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp ngành gạo, theo Vietnam Plus.

Theo đánh giá của KB Securities Vietnam (KBSV), mặc dù giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành gạo đã hồi phục tương đối tốt tính từ vùng đáy tháng 11/2022, song vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, KBSV nhấn mạnh hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong bối cảnh giá gạo gia tăng có thể không như kỳ vọng. Bởi lẽ, giá gạo nguyên liệu cũng sẽ tăng theo, doanh nghiệp khó có lãi, thậm chí có thể gặp rủi ro nếu không tìm được đầu ra kịp thời. Chưa kể, chi phí lãi vay dù đã giảm nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn để doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính để tích trữ lượng hàng tồn kho lớn. Đây là những yếu tố nhà đầu tư có thể phải cân nhắc trước khi quyết định đầu tư ngắn hạn vào nhóm cổ phiếu ngành gạo, thông tin trên tạp chí Công Thương.

Tác giả: Vân Anh (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok