Kinh tế

Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch: 'Ông lớn' Y tế Đà Nẵng Danameco làm ăn ra sao?

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu DNM của Tổng công tycCổ phần Y tế Danameco từ diện bị kiểm soát sang diện bị hạn chế giao dịch.

Tổng công ty Cổ phần Y tế Danameco.

Nguyên nhân DNM vào diện bị hạn chế giao dịch là vì công ty này chậm nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022. Do vậy cổ phiếu của DNM bị hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần.

Theo đó, việc nộp các báo cáo như trên đã được quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 39 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội yêu cầu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, Danameco phải gửi về Sở này cũng như công bố thông tin kèm biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch.

Về phía DNM, doanh nghiệp này cũng đã có văn bản giải trình nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán của doanh nghiệp này bị hạn chế giao dịch.

Qua đó, doanh nghiệp này cho rằng do thay đổi nhân sự kế toán, đặc biệt là kế toán trưởng thay đổi nhiều lần trong năm 2022 nên quá trình làm việc với đơn vị kiểm toán bị gián đoạn và chậm trễ.

HĐQT công ty này hiện vẫn đang làm việc với kiểm toán để hoàn thiện báo cáo này. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đang làm việc chặt chẽ với kiểm toán để lập báo cáo tài chính quý II và bán niên soát xét 2023 để công bố thông tin theo quy định.

Về tình hình kinh doanh, doanh nghiệp này đạt doanh thu quý I/2023 ở mức 50,2 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/3 so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tụt xuống mức âm 23,7 tỷ đồng, trong khi chỉ số này trong cùng kỳ là 15,2 tỷ đồng.

Cơ cấu vốn của doanh nghiệp này chiếm phần lớn là nợ với 347 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả ngắn hạn chiếm 246 tỷ đồng.

Nợ lớn trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt 74 tỷ đồng, đã khiến cho doanh nghiệp đứng trước nhiều rủi ro. Bởi hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở của doanh nghiệp này lên đến 25 lần. Tính riêng nợ ngắn hạn/ vốn chủ sở hữu đã lên đến 18 lần.

Xét về khả năng thanh toán ngắn hạn, doanh nghiệp này vẫn có khả năng thanh toán được nợ khi hệ số tài sản ngắn hạn /nợ ngắn hạn trên 1. Xét về khả năng thanh toán nhanh, thì khi trừ đi hàng tồn kho, doanh nghiệp này vẫn có khả năng thanh toán khi ở mức 0,6 lần.

Tác giả: Phước Nguyên

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok