Một khu đất của Công ty May 888 bị bỏ hoang từ khi được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê. Ảnh: Văn Thanh |
Tính đến nay trên địa bàn Thanh Hóa có 4 dự án, công trình vi phạm pháp luật về đất đai với tổng diện tích đất 236,9 ha còn vướng mắc, chưa xử lý được; có 109 dự án, công trình với tổng diện tích đất 278,95 ha không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí đất đai; có 2 dự án, công trình với tổng diện tích đất 36,26 ha có kết luận thanh tra, kiểm tra đến nay còn vướng mắc, khó khăn chưa giải quyết để đưa đất vào sử dụng.
Sau khi xem xét, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý đất đai, xử lý các dự án, công trình sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục xử lý vi phạm đối với các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh; lập hồ sơ xử lý nghiêm theo thẩm quyền và theo quy định đối với các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, vi phạm hành lang đê điều, xây dựng sai mặt bằng quy hoạch…
Tiếp tục rà soát, báo cáo cụ thể danh sách các doanh nghiệp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng hoặc không đầu tư xây dựng các công trình của dự án, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng để xây dựng kế hoạch và thực hiện việc thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chặt chẽ hơn việc tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư; cấp giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư; chấm dứt hiệu lực văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; nghiên cứu đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn đầu tư, tái cơ cấu chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư; tham mưu xử lý các trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 đảm bảo thống nhất với quy định của pháp luật đất đai về gia hạn tiến độ sử dụng đất.
Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng theo thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra các hồ sơ, thủ tục pháp lý thực hiện việc đầu tư xây dựng của các dự án để kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng theo đúng quy định.
Thanh tra tỉnh lựa chọn, tổ chức thanh tra toàn diện đối với các dự án vi phạm có quy mô lớn, có tính chất phức tạp, nhạy cảm; kết luận rõ sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật; thực hiện việc rà soát trùng lắp, chồng chéo khi các ngành lựa chọn đưa các dự án có sử dụng đất vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra.
Sở Tài nguyên và Môi trường ttiếp tục tăng cường kiểm tra đối với các dự án sử dụng đất có vi phạm, xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2022 tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án có dấu hiệu vi phạm. Kiên quyết tham mưu trình UBND tỉnh thu hồi đất đối với các dự án có vi phạm, đủ điều kiện thu hồi theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, thực hiện kịp thời việc ký hợp đồng thuê đất, bàn giao đất trên thực địa, tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử 3 dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và thuê đất theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tham mưu tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ nhưng được UBND tỉnh chấp thuận cho mở rộng, các dự án chưa được bàn giao đất trên thực địa; các trường hợp quy hoạch xây dựng điều chỉnh dẫn đến dự án không còn phù hợp. Trường hợp cần thiết báo cáo xin hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.
Hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh gia hạn tiến độ sử dụng đất đối với các dự án chậm tiến độ quá 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án theo quy định. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các ngành liên quan xem xét tham mưu báo cáo UBND tỉnh quyết định cho gia hạn thêm thời gian sử dụng đất để đầu tư hoàn chỉnh dự án đối với các trường hợp bất khả kháng do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Xác định vi phạm pháp luật đất đai đối với tổ chức, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh công khai các tổ chức trên Cổng thông tin điện tử theo quy định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013.
Bên cạnh đó, gỡ bỏ thông tin công khai vi phạm pháp luật đất đai đối với các trường hợp đủ điều kiện; cung cấp thông tin để công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai; phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về xác định dự án chậm tiến độ đầu tư, việc gia hạn tiến độ thực hiện dự án, thu hồi đất do chậm tiến độ quy định tại Điều 64 Luật Đất đai và các quy định về xác định khoản tiền phải nộp bổ sung đối với các dự án chậm tiến độ đầu tư; tham mưu đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính khả thi, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Tác giả: Văn Thanh
Nguồn tin: Báo Thanh tra