|
Tôi là một đứa trẻ bất hạnh, lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc. Tuổi thơ tôi luôn phải sống trong nỗi sợ hãi khi chứng kiến bố hành hạ mẹ. Bố tôi có tài nhưng không gặp thời và bị trù dập. Bất mãn với đời ông đâm ra nghiện rượu. Mỗi lần ông say là mỗi lần ông dồn uất ức lên vợ. Năm tôi 11 tuổi, bố mẹ tôi ly hôn. Không phải sống với bố, đó là điều hạnh phúc lớn nhất mà tôi từng cảm nhận được.
Vì có một tuổi thơ dữ dội như thế nên ước mơ lớn nhất trong đời tôi là gặp được một người đàn ông tử tế, hiền lành. Vậy nên khi anh xuất hiện, nghe cái cách anh nói về bố mẹ mình, chị em mình bằng sự yêu thương trìu mến thì tôi tin chắc rằng anh là một người đàn ông tốt. Tình yêu của chúng tôi lúc đầu cũng gặp chút trắc trở vì bố mẹ anh cho rằng tôi có một nền tảng gia đình không tốt. Thế nhưng anh ấy không hiểu bằng cách nào đó đã thuyết phục được gia đình anh.
Tôi thừa nhận chồng tôi không quá tệ, nếu như gia đình cứ xuôi chèo mát mái. Thế nhưng mẹ chồng - nàng dâu sống chung không tránh khỏi những mâu thuẫn bất đồng. Mỗi lần tôi có ý phản kháng những suy nghĩ áp đặt của mẹ chồng bà đều khóc với chồng tôi và nói rằng “mẹ đã bảo mày rồi, nó là con nhà dột từ nóc, không được dạy dỗ đàng hoàng, bây giờ nó còn dám chống đối cả mẹ chồng cơ đấy”.
Mỗi lần như thế chồng tôi đều nổi cáu với tôi, bảo rằng anh ấy đã trái ý gia đình để cưới tôi vậy mà tôi sống còn không biết điều, rằng với anh bố mẹ là nhất, còn vợ chỉ như cái áo, thích thì mặc, không thích thì cởi, muốn gia đình yên ổn nên biết đường mà cư xử với nhà chồng.
Vợ chồng tôi có một ít tiền tiết kiệm, chủ yếu là tiền của tôi do mẹ tôi cho ngày tôi đi lấy chồng, dự định đường xa là để xây nhà. Gần đây em gái chồng có ý mượn để mua xe ô tô cho chồng chở hàng. Tôi nói chồng chỉ cho mượn một nửa, còn lại để phòng khi con cái ốm đau hay có việc cần. Thế nhưng chồng tôi một mực “mượn thì cho mượn hết, anh chị có tiền cất mà để em chạy chỗ này chỗ kia xoay xở như vậy không được”. Mẹ chồng thì ngấm nguýt bảo tôi “mấy năm làm dâu chưa làm được gì cho nhà chồng, cho em chồng mượn chút tiền cũng khó khăn sợ em chồng không trả”.
Tôi thấy cách cư xử của mình là hợp lý nên bảo toàn ý kiến, bởi tiền là do tôi giữ, vậy là chồng tôi làm toáng lên: Anh bảo tôi:
- Cô là đồ keo kiệt, bủn xỉn. Em chồng thì cũng như em mình, có gì đâu mà tính toán. Tôi nói cho cô biết, anh em như tay như chân dù thế nào cũng không tách rời được, còn vợ như cái quần cái áo, chán là cởi vứt, cô hiểu chưa?
Tôi lúc đó cũng đang điên nên mới đáp trả: “Vâng, anh em như tay như chân, cụt chân cụt tay ra đường người ta vẫn thương, chứ mà không mặc quần mặc áo ra đường thì họ chửi là đồ điên đấy”. Chồng tôi cho rằng tôi nói vậy là có ý đồ trù ẻo điều xui xẻo cho nhà anh ấy nên càng làm dữ.
Những lúc nỏng nảy thì anh ấy như vậy, nhưng rồi lại thôi, có đôi khi bình tĩnh lại anh còn xin lỗi tôi vì “hơi quá lời”. Tuy nhiên tôi thực sự cảm thấy rất mệt mỏi. Chồng tôi luôn coi trọng bố mẹ mình, anh em mình hơn là vợ. Anh ấy luôn có tư tưởng không có vợ này thì lấy vợ khác, còn bố mẹ anh em thì chỉ có một. Vậy nên trong mọi cuộc xung đột chồng đều không đứng về phía tôi.
Mẹ tôi bảo gia đình nào cũng có những vấn đề riêng, miễn chồng nó không đánh đập phụ bạc mình là được, chứ miệng nó nói rồi nó lại nghe, chẳng hay ho gì chuyện vợ chồng ly tán. Thế nhưng mỗi lần nghe anh ấy nói vậy tôi vô cùng ức chế, tôi thực sự chỉ muốn hét lên rằng:“Tôi cũng chỉ xem anh như cái quần cái áo, mặc chật chội ngứa ngáy khó chịu rồi tôi cũng sẽ cởi”. Nhưng rồi nhìn đứa con gái bé bỏng, tôi lại cảm thấy rất thương con.
Chồng tôi dù bạc mồm bạc miệng với vợ nhưng lại rất yêu chiều con. Tôi có thể không cần chồng nhưng con tôi thì cần bố. Tôi không muốn con tôi lớn lên lấy chồng cũng sẽ bị nhà chồng coi khinh “nhà dột từ nóc”, “nền tảng gia đình không tốt” hay “không được giáo dục đầy đủ” như mẹ chồng thường nói về tôi. Suy nghĩ của tôi như vậy liệu có phải là suy nghĩ tích cực không?
Tác giả: Phan Hạ
Nguồn tin: Báo Dân trí