Trong tỉnh

‘Cắt cơn’ sốt đất điên đảo, tạm hoãn nhiều cuộc đấu giá đất vì Covid

Nhiều công ty đấu giá tại Thanh Hoá đã có thông báo tạm dừng việc bán hồ sơ và hoãn các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Tạm hoãn nhiều cuộc đấu giá đất

Các thông báo được đưa ra về việc tạm dừng bán hồ sơ, thu hồ sơ, nộp tiền đặt trước và tạm dừng các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất cho tới khi có thông báo trở lại.

Mới đây, ngày 12/5, Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Anh có văn bản thông báo tạm dừng việc bán hồ sơ và đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Nga Bạch (huyện Nga Sơn).

Ngày 7/5, Công ty đấu giá hợp danh Nhất An Phú – Chi nhánh Thanh Hoá có thông báo về việc tạm hoãn thời gian tổ chức tham gia đấu giá (bán, tiếp nhận hồ sơ, nộp tiền đặt trước, tổ chức cuộc đấu giá) quyền sử dụng đất ở gồm 21 lô đất khu dân cư xã Nga Thạch (huyện Nga Sơn) cho đến khi có thông báo mới.

Sau thời gian giá đất tăng đột biến, cơn sốt đất ảo tại Thanh Hoá được kiểm soát, hạ nhiệt

Trước đó, nhiều công ty đấu giá cũng có văn bản tạm hoãn đấu giá tại các địa bàn: xã Nga Tiến (huyện Nga Sơn); xã Trường Sơn, Trường Long (huyện Nông Cống); xã Trường Lâm (thị xã Nghi Sơn); xã Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc);...

Sau Tết Nguyên đán, giá đất tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đều tăng giá đột biến, đặc biệt là đất nền ở các khu vực lân cận TP Thanh Hoá, TP Sầm Sơn và các khu vực quy hoạch những dự án lớn.

Phó Thủ tướng: Xử nghiêm đối tượng lợi dụng thông tin 'thổi' giá đất

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có ý kiến về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2021, trong đó chỉ đạo xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thông tin để đẩy giá BĐS.

Để “trị” những cơn sốt đất, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng và phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát thị trường BĐS, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (về quy hoạch, chủ trương đầu tư các dự án lớn…) để đẩy giá BĐS lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, quản lý chặt chẽ các dự án BĐS; công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch;…

Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giá đất nền tại nhiều khu vực ở Thanh Hoá tăng trung bình khoảng 50-60% so với cuối năm 2020,. Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ từ xưa không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua.

Bên cạnh đó, giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12-15 triệu đồng một m2, có nơi trên 20 triệu đồng một m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm trước và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.

Cùng với cơn sốt đất, các cuộc đấu giá đất cũng thu hút được sự quan tâm rất lớn. Ghi nhận tại một xã nông thôn của huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), đầu tháng 4/2021, chính quyền tổ chức đấu giá 23 lô đất, mỗi lô từ 125 đến 150m2 nhưng có đến hơn 1.000 bộ hồ sơ tham gia. Chưa bao giờ cuộc đấu giá đất ở một vùng quê mà thu hút hàng nghìn người dân địa phương và nhiều cá nhân, tổ chức môi giới và kinh doanh BĐS từ khắp nơi đổ về tham dự như vậy.

Từ giá khởi điểm là 250 triệu đồng/lô đã được đấu lên tiền tỷ (từ 1 - 1,3 tỷ đồng/lô). Đặc biệt, có hơn 1.000 hồ sơ tham gia đấu giá 23 lô đất nhưng chỉ có 4 người trúng đấu giá. Nhiều người tham dự đã sửng sốt khi nghe đơn vị đấu giá công bố kết quả trúng đấu giá của 23 lô đất này.

“Sốt đất ảo” được kiểm soát

Trước tình trạng sốt đất, hồi giữa tháng 4/2021, tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh này.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, thời gian vừa qua, tại một số địa phương, tập trung chủ yếu tại thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Nghi Sơn và các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh,... đã và đang xuất hiện một số nhà đầu tư, người môi giới BĐS lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc triển khai các dự án lớn... để bán đất.

Họ tung tin đồn, mua đi bán lại, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông... bằng hình thức đặt cọc, góp vốn, mua bán, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá BĐS lên cao để trục lợi.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hoá lần thứ 2 tiếp tục có văn bản về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.

Khu đất thôn Chùa, xã Thái Đào (Lạng Giang) sau khi đưa vào đấu giá có nhiều khách hàng bỏ cọc (Ảnh: Báo Bắc Giang)


UBND tỉnh Thanh Hoá đánh giá với việc tăng cường quản lý thời gian qua đến nay về cơ bản các hiện tượng biến động giá đất “đột biến”, “sốt ảo” đã bước đầu được kiểm soát, giá đất có xu hướng ổn định trở lại.

UBND tỉnh yêu cầu công bố công khai các thông tin quy hoạch, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, tỉnh này tăng kiểm tra, kiểm soát việc chuyển nhượng quyền, mục đích sử dụng đất; xử lý hành vi không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm so với tiến độ quy định,...Đồng thời, tỉnh khuyến cáo người dân những nguy cơ, hậu quả nếu giao dịch BĐS chưa được cho phép hoặc giao dịch mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Những ngày gần đây, tại các xã Hải Long, Xuân Thái, thị trấn Bến Sung - nơi được cho là "đất vàng" khi dự án đi qua đã không còn cảnh tấp nập người mua, kẻ bán. Các đối tượng "cò" đất ở xuất hiện ở khu vực này hay mọi giao dịch gần như không còn.

Tại xã Xuân Thái - nơi cơn "sốt đất" khủng khiếp nhất diễn ra sau Tết Nguyên đán với các biển treo bán đất, dán số điện thoại giao dịch đất xuất hiện bên đường đi vào các thôn bản, thậm chí dán trên bờ tường nhà dân. Đây là điều chưa từng thấy ở xã được coi là vùng sâu, vùng xa nhất nhì của huyện miền núi này. Đến nay cảnh tấp nập bán mua đã không còn.

Bắc Giang: Liên tiếp bỏ cọc, tháo chạy khỏi lô đất trúng đấu giá

Thời gian vừa qua, theo kết quả rà soát của UBND huyện Lạng Giang, toàn huyện còn 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Các lô đất trên có diện tích từ 90 m2 đến hơn 200 m2/lô, thuộc thôn Chùa, xã Thái Đào, 55 lô; thôn Vàng và khu dân cư chợ Năm, xã Tiên Lục, 37 lô; thôn Thanh Lương, Cầu Đá và khu cổng UBND xã Quang Thịnh, 3 lô; thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, 3 lô; tổ dân phố Tân Luận, thị trấn Vôi, 4 lô; tổ dân phố Lèo, thị trấn Kép, 1 lô.

Tổng số tiền các lô đất khách hàng trúng đấu giá hơn 156 tỷ đồng, chênh lệch hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Trước đó, theo thông tin từ Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Bắc Giang (Bắc Giang), trong tháng 10, 11/2020 toàn thành phố Bắc Giang tổ chức 3 phiên đấu giá đất. Cả 3 phiên này đều có khách hàng bỏ cọc.

Cụ thể tại các phường: Trần Phú, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Xương Giang, Mỹ Độ và xã Đồng Sơn, Tân Mỹ có 6 lô bỏ cọc với số tiền trúng đấu giá hơn 10,6 tỷ đồng, chênh so với giá khởi điểm hơn 5,6 tỷ đồng. Số tiền bỏ đặt cọc là 600 triệu đồng.

Tại phường Dĩnh Kế, xã Đồng Sơn, xã Dĩnh Trì có 16 lô bỏ cọc,số tiền trúng đấu giá hơn 41,5 tỷ đồng, chênh so với giá khởi điểm khoảng 26,3 tỷ đồng. Số tiền bỏ đặt cọc hơn 1,6 tỷ đồng.

Tại khu dân cư cạnh quốc lộ 17 phường Đa Mai và khu dân cư cạnh Bệnh viện Nội tiết tỉnh, xã Tân Mỹ có 18 lô bỏ cọc, số tiền trúng đấu giá hơn 43 tỷ đồng, chênh khoảng 25 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Số tiền bỏ đặt cọc 2,3 tỷ đồng…

Tác giả: Huỳnh Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: Covid , sốt đất , thanh hoá

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok