Trong tỉnh

Thanh Hóa: Trong cơn “sốt“ đất, người bán xôi, giò chả cũng thành... môi giới

Trong cơn sốt bất động sản, người người thi nhau buôn đất, còn cò đất thi nhau thổi giá. Điều này khiến giá đất "nhảy múa" không ngừng.

Người bán xôi, giò chả cũng hành nghề... môi giới

Sáng sớm tinh mơ, bà L.T. (phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa) gấp gáp dọn hàng là gánh xôi đang được ủ nóng. Hôm nay, bà T. dậy sớm hơn thường lệ để kịp chuẩn bị đưa khách đi xem đất. Bà bảo: “Đất đai ở đâu cũng đang nóng nên tranh thủ giao dịch vài lô đất ở để kiếm thêm chút đỉnh”. Nói chưa dứt lời, bà T. vội rút điện thoại ra nói chuyện, giao dịch với khách hàng; trên tay vẫn cầm nắm xôi đưa cho chúng tôi.

Vì tò mò, chúng tôi buông lời đề nghị bà T. dẫn đi xem đất. Khu đất mà bà T. chỉ thuộc quyền sở hữu của một hộ dân ở khu phố 6, đang có ý định chuyển nhượng cho khách hàng. Khu đất có diện tích 160m2 được bà T. giao với giá 850 triệu đồng. Thấy các vị khách có vẻ lưỡng lự, bà T. liếc nhìn ra ngoài đường, ghé sát tai nói với chúng tôi như củng cố thêm niềm tin về giá trị của mảnh đất này: “Nếu cô chú không mua nhanh sẽ không còn cơ hội đâu”, rồi bà liên tục cầm điện thoại nhắn tin, gọi điện như có chuyện gì gấp gáp.

Theo một số người dân địa phương, tháng trước khu đất này được giao bán hơn 600 triệu đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, cò đất đã phát giá tới 850 triệu đồng. Bất ngờ hơn cả là chỉ khoảng 1 tuần sau khi chúng tôi được bà T. dẫn đi xem đất, mảnh đất này được giao bán trên mạng và “thổi” giá lên tới 1,3 tỷ đồng rồi 1,5 tỷ đồng.

Cách không xa phường Quảng Hưng, tại phường Quảng Thành (TP. Thanh Hóa), ông Th. được biết đến là người chuyên bán giò chả quanh khu vực Khu công nghiệp Lễ Môn. Trong cơn sốt đất tại nhiều địa phương, ông Th. đã tạm gác gian hàng là nghề mưu sinh của gia đình để chuyển sang làm môi giới bất động sản.

Thoạt nghe lời giới thiệu, khó ai có thể nhận biết được ông Th. từng là dân hàng xén chính hiệu. Người đàn ông này có trí nhớ siêu đến mức chỉ trong vài phút, ông có thể đọc vanh vách chi tiết từng mặt bằng và giá đất cụ thể ở từng vị trí tại khu vực nội, ngoại thành TP. Thanh Hóa, Sầm Sơn. Ông Th. cũng sẵn lòng giải đáp mọi thông tin thắc mắc của khách hàng đối với từng loại đất cụ thể (đất dự án, đất thổ cư…).

Ông bảo: “Đất thổ cư trong dân ở phường Quảng Thành dao động từ 400 - 600 triệu đồng/100m2 tùy vị trí. Còn đối với loại đất mặt bằng, năm ngoái có giá khoảng 800 triệu đồng/100m2, năm nay lên hơn 1 tỷ đồng có giấy tờ, sổ sách đàng hoàng mà vẫn cháy hàng. Đất ở đây lên ngày một, không mua sẽ hết cơ hội. Đất đai khắp nơi sốt nên Thanh Hóa cũng lên theo”.

Một số mặt bằng tại TP. Thanh Hóa mặc dù chưa đủ pháp lý nhưng vẫn được giao bán trên mạng

(Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại mặt bằng 09, phường Nam Ngạn).​​​​​​
Ông Th. chia sẻ thêm: “Vì hành nghề môi giới nên gia đình cũng có đồng ra đồng vào. Trung bình một ngày có thể chốt vài lô cho khách. Ngày ít thì cũng được 1 hoặc 2 lô. Có hôm mệt đến mức không muốn ăn cơm vì khách quá đông. Nhưng khách chủ yếu là mua đất để lướt sóng”.

Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng “sốt” đất tại một số nơi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tình trạng giá đất “nhảy múa” ở tỉnh Thanh Hóa chủ yếu xảy ra tại khu vực TP. Thanh Hóa, khu vực ven biển TP. Sầm Sơn, Đông Sơn, Quảng Xương. Giá đất tại các khu vực này dao động từ mức 12 - 15 triệu đồng/m2, cao gấp đôi giá thị trường so với cùng kỳ năm trước.

Ghi nhận tại mặt bằng 3367 (thuộc xã Quảng Đại, TP. Sầm Sơn) được đấu giá năm 2020, với giá khởi điểm là 600 triệu đồng/1 lô (100m2), nhưng tới thời điểm hiện tại, giá đất của mặt bằng này đã tăng gấp đôi, khoảng 1,2 tỷ đồng/1 lô (100m2). Thậm chí, có nhiều người trả cao hơn mức giá trên nhưng cũng không còn đất để bán. Đất xã Quảng Nhân, Quảng Trạch (Quảng Xương) cũng được thổi giá lên 7 - 8 triệu đồng/m2, vị trí đẹp thì giá hơn 14 triệu đồng. Trước đó một vài năm, giá đất tại các khu này chưa tới 3 triệu đồng/m2 mà vẫn không có người mua.

Cuối năm 2020, xã Quảng Hùng (TP. Sầm Sơn) đấu giá 43 lô đất với giá loại 1 là 18 triệu đồng/m2; đất loại 2 rơi vào khoảng 8 - 9 triệu đồng/m2. Nhưng tới thời điểm hiện tại, giá đất đã tăng lên khoảng hơn 60 - 70%. Tại các phường Trung Sơn, Quảng Vinh, Quảng Châu, Quảng Tiến (TP. Sầm Sơn), giá đất tăng như “lên đồng” 40 - 60 triệu đồng/m2. Giá đất phi mã khiến người người, nhà nhà đua nhau ôm đất.

Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất cũng bị “cò” dẫn dụ

Trong cơn "sốt" đất quay cuồng tại nhiều địa phương, bất cứ ai cũng có thể trở thành “con mồi” để cò đất tung chiêu thổi giá. Một số cò đất "giải nghệ" cho hay, bằng nhiều cách thức khác nhau để tiếp cận, đối tượng được cò đất nhắm tới thường là những người có điều kiện tài chính, có địa vị trong xã hội. Trong khi đó, những vị khách chúng tôi có dịp tiếp xúc cũng tỏ vẻ băn khoăn, đồng thời không thể lý giải nổi vì sao cò đất biết danh tính, có số điện thoại của mình để liên hệ, môi giới đất đai.

Chia sẻ với phóng viên, ông Tào Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Thanh Hóa cho hay, bản thân ông cũng từng là “con mồi” của nạn cò đất: “Có lúc tôi đang họp họ cũng gọi điện để giao bán đất. Bản thân tôi phải giải thích mãi với họ rằng, mình không có tiền mua đất thì họ mới chịu thôi”, ông Hạnh cho hay.

Cũng theo ông Hạnh, tại TP. Thanh Hóa, hiện có nhiều mặt bằng chưa đủ cơ sở pháp lý nhưng cò đất vẫn giao bán trên mạng với giá cao, gây nên tình trạng sốt ảo. Nếu khách hàng không tìm hiểu kỹ và không nắm vững pháp lý các khu đất mà đổ tiền đầu tư sẽ rất dễ “ngậm đắng”.

Ông Tào Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Thanh Hóa.

Ông Hạnh nói thêm: “Phương thức của các đối tượng này là chào bán các lô đất trong mặt bằng bằng hình thức như góp vốn, đặt cọc. Hiện nay, trên địa bàn TP. Thanh Hóa, một số dự án đất nền chưa đủ điều kiện pháp lý, nhưng cò đất đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và hám lợi của người dân; một số nhân viên môi giới đã rao bán, thuyết phục người dân góp vốn giao dịch, gây nhiều hệ lụy về sau”.

Trước tình trạng cò đất lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để tổ chức môi giới, chào mời thực hiện các giao dịch bất động sản chưa đủ pháp lý, tạo nên rủi ro cho người mua, dẫn đến thiệt hại về kinh tế và nhiều hệ lụy liên quan, mới đây, UBND TP. Thanh Hóa đã đưa ra văn bản khuyến cáo cho các tổ chức, cá nhân không nên thực hiện các giao dịch bất động sản đối với một số mặt bằng chưa đủ điều kiện mở bán trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa đã ra văn bản khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không thực hiện các giao dịch bất động sản đối với dự án chưa đủ các điều kiện mở bán như: Chưa có giấy tờ về chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa có hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa được cấp giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.

Ngoài ra, một số dự án chưa xong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu như cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải; dự án chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai; dự án có tranh chấp về quyền sử dụng đất; bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

Được biết, tại các mặt bằng như: MB 1130 phường Hàm Rồng, MB 09 phường Nam Ngạn, MB 1820 phường Quảng Thành chưa đủ điều kiện pháp lý để thực hiện đấu giá… và một số mặt bằng trúng đấu giá nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, do nắm được tâm lý của người dân, một số nhân viên môi giới đã mời chào, rao bán, thuyết phục người dân giao dịch với mọi hình thức như: đặt cọc tiền, góp vốn bằng hình thức “đăng ký nguyện vọng”, mua bán, chuyển nhượng.

Theo đó, UBND TP. Thanh Hoá khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần tìm hiểu kỹ, rõ ràng về các dự án, các mặt bằng trên địa bàn thành phố để tránh rủi ro, tránh thiệt hại kinh tế phát sinh khi người dân thực hiện các giao dịch.

Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển SB (Sàn giao dịch bất động sản SB Land).

Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản SB Land cho hay: “Nguyên nhân tạo nên cơn sốt đất tại các địa phương, trong đó có Thanh Hóa là do thời gian vừa qua, tỉnh Thanh Hóa thu hút được khá nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, khiến bất động sản nóng lên từng ngày, kéo theo xu hướng dòng tiền đổ vào đầu tư đất đai ngày càng nhiều, đặc biệt là những khu đất có lợi thế thương mại (gần trung tâm, ven biển…)".

Cũng theo ông An, trong thời điểm hiện nay, các ngành nghề như du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid, bất động sản được xem là kênh trú ẩn khá an toàn. Bên cạnh đó, một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất thấp nhất và biên độ vay phù hợp, giúp nhà đầu tư có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn dòng vốn để đầu tư.

"Bên cạnh đó, sự tăng giá đột biến của bất động sản hiện nay cũng do chiêu trò thổi giá đất của cò đất nhằm đầu cơ, gây tình trạng sốt ảo. Do vậy, nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo cảnh giác trước những chiêu trò của giới đầu cơ, để tránh tiền mất tật mang.

Nhà đầu tư nên chú trọng tới những sản phẩm bất động sản có đầy đủ tính pháp lý, các dự án triển khai đồng bộ để đầu tư, tránh tiếp cận các dự án “bánh vẽ” theo lời dẫn dụ của cò đất”, ông An đưa ra lời khuyên.

Trước tình trạng sốt đất diễn ra ở nhiều nơi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành công văn số 1454/BTBMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, gần đây tình trạng "sốt ảo" giá đất diễn ra ở một số địa phương, gây ra những hệ lụy không đáng có và làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư.

Do đó, để chấn chỉnh tình trạng này, đảm bảo môi trường đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Bộ đã ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và kinh doanh bất động sản; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm các quy định của pháp luật.

Đặc biệt, việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phải được thực hiện để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin; tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản… nhất là thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 31/5/2021./.

Tác giả: Quốc Toản

Nguồn tin: reatimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok