Giáo dục

Bộ trưởng Giáo dục: Hơn 10 nghìn giáo viên nghỉ việc do lương bất cập, quản lý thiếu dân chủ

Năm học 2021-2022, cả nước có hơn 16 nghìn giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành Giáo dục. Trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là hơn 10 nghìn người.

Thông tin này vừa được đưa ra tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số thông tin của lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong phiên thảo luận về tình hình KT-XH của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn.

Hơn 16 nghìn giáo viên nghỉ việc

Theo báo cáo này, năm học 2021-2022, có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành Giáo dục; trong đó số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người; phân theo cấp học.

Trong đó, giáo viên cấp mầm non nghỉ việc nhiều nhất với 6.391 người viên (trong đó, công lập: 2.503 giáo viên, ngoài công lập : 3.888 giáo viên); đến cấp tiểu học với 4.493 giáo viên nghỉ việc (trong đó, công lập: 3.851 giáo viên, ngoài công lập: 642 giáo viên); cấp trung học cơ sở có 3.425 giáo viên nghỉ việc (trong đó, công lập: 3.110 giáo viên, ngoài công lập: 315 giáo viên); cấp trung học phổ thông có 1.956 giáo viên nghỉ việc (trong đó, công lập: 943 giáo viên, ngoài công lập: 1.013 giáo viên).

Giáo viên bỏ việc, do đâu?

Lý giải về thực trạng này, Bộ GD&ĐT cho rằng, giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương...

Đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, dẫn đến giáo viên ở các cơ sở này phải tìm kiếm việc làm khác. Một số giáo viên mầm non không phải người địa phương cũng trở về quê cùng gia đình tránh dịch và không trở lại. Đây là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghỉ việc của giáo viên ngoài công lập trong 2 năm qua.

Đối với cơ sở giáo dục công lập, tình trạng nghỉ việc của giáo viên do một số nguyên nhân chủ yếu do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn. Mặt khác, sự phát triển của các thành phần kinh tế trong thời kỳ đổi mới đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác cho đội ngũ giáo viên.

Một số cơ sở giáo dục chậm đổi mới trong quản lý, áp lực công việc đối với giáo viên còn lớn. Mặc dù trong những năm qua, ngành Giáo dục đã quyết liệt trong việc đổi mới cơ chế quản lý nhưng sự thay đổi trong một số nhà trường còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của Ngành.

“Điều này cũng gây ra những áp lực cho giáo viên như: phân công nhiệm vụ chưa hợp lý, thiếu khoa học, tổ chức quản lý thiếu dân chủ, nặng về áp đặt, mệnh lệnh từ trên xuống dưới, từ đó ảnh hưởng đến tinh thần làm việc, hạn chế sự sáng tạo của giáo viên”- báo cáo cho biết.

Ngoài ra, cơ sở vật chất các trường công lập chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động nghề nghiệp của giáo viên. Ngoài các trường học được sửa chữa, xây mới theo quy mô chuẩn quốc gia, hiện còn nhiều trường công lập thiếu thốn về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, không bảo đảm tiêu chuẩn dẫn đến điều kiện làm việc của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các trường tư thục, trường quốc tế hoặc doanh nghiệp có cơ sở vật chất và điều kiện tốt hơn.

Tác động của nền kinh tế thị trường và nhu cầu của giáo viên tăng, giáo viên có năng lực tốt sẽ có xu hướng tìm đến những nơi có điều kiện tốt hơn để tìm cơ hội thăng tiến cho bản thân; một số giáo viên chấp nhận bỏ nghề, đi học lại để tìm kiếm cơ hội việc làm khác.

Tác giả: Đỗ Hợp

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok