Giáo dục

Trả lương giáo viên theo vị trí việc làm: Hay nhưng cần thận trọng

Giáo viên tại TP HCM cho rằng, chủ trương hay cần có cách triển khai đúng từ cơ sở, nếu không sẽ càng bất cập khi trả lương theo vị trí việc làm.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến hoàn thiện, trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và bổ sung một số điều trong luật này. Trong đó, nội dung trả lương giáo viên theo vị trí việc làm thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là tín hiệu tốt góp phần giảm thiểu tình trạng ì ạch của một bộ phận giáo viên hiện nay và tạo thêm động lực cho người đứng lớp, đặc biệt là đội ngũ nhân lực trẻ. Thế nhưng, cần có sự chuẩn bị chu đáo để tránh những tác động tiêu cực không đáng có.

(Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập Trường ngoại khóa TOMATO Children’s home, việc thay đổi cách đánh giá năng lực và trả lương sẽ tạo nhiều động lực để giáo viên yên tâm đóng góp, cống hiến, có nhiều sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy.

Hiện nay, vẫn còn sự cào bằng trong việc nhìn nhận, chi trả lương cho đội ngũ giáo viên khiến không ít giáo viên có tố chất đặc biệt nản lòng vì cảm thấy tài năng không được đánh giá cao bằng thâm niên.

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng việc đánh giá năng lực giáo viên theo phương pháp “3 chữ P” sẽ giúp các trường nhìn nhận đúng chất lượng công việc của từng cá thể thay vì cứ nhận xét chung chung như hiện nay. Điều này cũng thuyết phục được người lao động, đòi hỏi họ phải nỗ lực nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn.

“Chữ P đầu tiên là Position, tức là theo vị trí. Chữ P thứ hai là Person - theo năng lực riêng của người đó. Và chữ P thứ ba Performance, là theo kết quả công việc thực tế. Từ trước đến nay hệ thống lương và đãi ngộ cho giáo viên của chúng ta chỉ tập trung vào chữ P đầu tiên. Một người làm vai trò giáo viên, có thâm niên bao nhiêu năm thì hưởng ngạch bao nhiêu đó, cố định và như nhau cho tất cả mọi người”, bà Uyên Phương nói.

Phấn khởi khi nghe thông tin, tuy nhiên, anh Văn Thành Minh Trung, giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du ở quận 10, TP HCM cho rằng chủ trương hay cần có cách triển khai đúng từ cơ sở, nếu không sẽ càng bất cập. Theo giáo viên trẻ này, vấn đề quan trọng nhất là phải có được hệ thống đánh giá năng lực phù hợp để tạo sự đồng thuận cao, tránh những xáo trộn, mâu thuẫn không đáng có.

Thầy Văn Thành Minh Trung đặt vấn đề: “Ai sẽ là người đánh giá năng lực giáo viên? Điều này liên quan đến công tác quản lý, công tác cán bộ. Đặc biệt chúng ta cần quan tâm đến vai trò của thủ trưởng đơn vị. Nếu thủ trường đơn vị không có tâm, tầm, tài và không biết cách thành lập những hội đồng hay những bộ phận để đánh giá đúng năng lực của giáo viên thì sẽ dẫn đến nhiều sự việc xảy ra trong trường”.

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, với cơ chế hiện nay, rất khó để các cơ sở giáo dục công lập triển khai nội dung này. Ông Phú cho rằng, chỉ khi các trường có quyền tự chủ thì quy trình đánh giá mới thực sự khách quan, công bằng còn trong điều kiện hiện tại đây là cả một thử thách.

“Việc đánh giá năng lực của một giáo viên hiện nay không dễ vì Hiệu trưởng các trường không nắm quyền tuyển nhân sự mà phải nhận nguồn từ nơi khác chuyển về. Còn nếu bây giờ giao hẳn quyền tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự cho Hiệu trưởng thì chắc chắn người đứng đầu các trường luôn luôn tuyển dụng người tài. Khi tuyển dụng người giỏi rồi thì người ta sẽ chi trả sòng phẳng dựa trên mức lương của giáo viên”, ông Phú nói.

Nhìn nhận đề xuất trả lương giáo viên theo vị trí việc làm của Bộ Nội vụ là bước đột phá, tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng phải làm thật khoa học và hợp lý, nếu không rất dễ dẫn đến tình trạng “hành chính hóa” công việc của giáo viên.

Bên cạnh đó, theo bà Dung, cần có các bước chuẩn bị chu đáo, những kế hoạch dài hơi chứ không nên vội vàng vì rất dễ dẫn đến tình trạng thực hiện cào bằng theo kiểu phong trào, đối phó chứ không thực sự nghiêm túc. Đối với những chính sách lớn như thế này cần có thí điểm, đặc biệt là những đơn vị tự chủ về tài chính.

Từ kinh nghiệm đó sẽ chỉnh sửa, bổ sung và nhân rộng sao cho phù hợp. Và bản thân khung đánh giá phải công tâm, cụ thể nhưng không quá rườm rà theo kiểu giấy tờ, sổ sách vì như vậy rất dễ khiến giáo viên phân tâm, mệt mỏi. Phải tận dụng các tiêu chuẩn đánh giá theo năng lực giáo viên mà hiện nay Bộ Giáo dục - Đào tạo đang tốn rất nhiều công sức và thời gian xây dựng để tránh lãng phí nguồn lực cũng như có quá nhiều bộ tiêu chí đánh giá.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung cho hay: “Việc mà chúng ta xác định vị trí việc làm cũng như những tiêu chí để đánh giá người lao động, đặc biệt là lao động chất xám như của người giảng viên, giáo viên đòi hỏi sự thận trọng cũng như sự đồng thuận. Phải có nhiều đợt tập huấn, tư vấn cho những người chịu trách nhiệm xây dựng vị trí việc làm để có thể đưa ra các tiêu chí đánh giá cụ thể. Bên cạnh đó cũng cần phải lấy ý kiến của giáo viên”.

Nếu đề xuất được thông qua, các chuyên gia cho rằng, các trường và bản thân mỗi giáo viên cần có sự “tự chuyển biến” để thích ứng với thay đổi mang tính tiến bộ này. Một hệ thống đánh giá có sự phân tầng cụ thể, tập trung vào kết quả công việc, chất lượng người học dựa trên cơ sở đồng thuận của cả tổ chức là việc các trường cần làm.

Vì suy cho cùng, việc đánh giá đúng, trả lương phù hợp là nhằm tạo động lực phấn đấu, đổi mới cho đội ngũ giáo viên chứ không phải để gây nên những xáo trộn, đố kỵ, thậm chí tổn thương cho những cá nhân tài năng, tâm huyết./.

Tác giả: Kim Dung

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok