Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu cho biết, trong 4 năm thực hiện dự án, Ban Quản lý sẽ điều tra hiện trạng, mối đe dọa hai loài cây trên tại 20 bản, tổ chức 40 hội nghị, ký cam kết bảo vệ tại 40 thôn bản thuộc vùng đệm Khu Bảo tồn.
Cán bộ dự án sẽ tổ chức các câu lạc bộ trong trường học cho các em học sinh nhằm nâng cao sự hiểu biết về các loài dược liệu trong việc bảo tồn và phát triển hai loài cây dược liệu quý Ba kích và Sa nhân tím.
Ban Quản lý cũng thực hiện mô hình trồng theo dõi sinh trưởng và phát triển, đề xuất các giải pháp bảo tồn hai loài cây dược liệu quý. Từ đó, xây dựng được bản đồ, băng tư liệu thông tin, poster tuyên truyền nhằm cấp phát đến cộng đồng để giới thiệu về giá trị, sự cần thiết phải bảo tồn hai loài cây này.
Hiện hai loài cây này chỉ còn mọc tại các tiểu khu 120, 111, 71, 72, 94 thuộc khu vực rừng Pù Hu. Nếu không đưa ra phương án bảo tồn, trong tương lai, hai loài cây Ba kích, Sa nhân tím sẽ mất dần đi. Do đó, việc thực hiện dự án trên là rất cần thiết bởi vùng phân bố tự nhiên của hai loài đang bị thu hẹp dần, số lượng cây đang bị suy giảm dần.
Dự án này sẽ giúp Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu bảo vệ tài nguyên rừng, phục hồi thảm thực vật, tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ đất, chất lượng môi trường được cải thiện.
Bên cạnh đó, dự án cũng giúp Ban Quản lý đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển quần thể các loài cây dược liệu quý hiếm tại các khu rừng Pù Hu.
Theo kết quả thực hiện dự án ban đầu, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã tổ chức một cuộc điều tra hiện trạng, phân bố hai loài dược liệu trên 6 tuyến điều tra và một cuộc điều tra giám sát hai loài dược liệu trên 6 tuyến giám sát với 12 OTC được lập để giám sát tại các tiểu khu 120, 102, 98, 71, 72, 93, thuộc khu vực núi rừng Pù Hu. Từ đó, xây dựng các giải pháp bảo tồn, quản lý đối với hai loài cây dược liệu quý.
Hiện, Ban Quản lý đã xác định được cây Ba kích (Morinda officinalis How) thuộc họ cà hê, cây sống lâu năm, chịu bóng, mọc tốt ở các vùng đất khác nhau kể cả nơi đất nghèo kiệt. Cây còn có khả năng leo bám vào cây khác hoặc tự cuốn tạo thành bụi lớn.
Ba kích thường được theo trồng mô hình ở một số tỉnh như Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Trong y học, cây có nhiều tác dụng làm thuốc chữa bệnh như bổ não, thận hư, liệt dương, phong thấp, thần kinh suy nhược, mất ngủ, tiểu tiện không tự chủ, kinh nguyệt không đều, ho suyễn, tiêu chảy.
Loài cây Sa nhân tím (Amomum Longiligulare T.L.Wu) thuộc họ Gừng, cây là một loại cỏ, gần giống như cây Giềng nên cao từ 2-3m. Sa nhân tím thường mọc hoang và được trồng ở các tỉnh miền núi Việt Nam, cây được xem như một vị thuốc kích thích, giúp cho sự tiêu hóa tốt, thường chữa được các bệnh như đau bụng, đầy bụng, ăn không tiêu, tả lỵ, một số nơi còn dùng cây Sa nhân tím làm gia vị và chế biến mùi rượu./.
Tác giả: NGUYỄN NAM
Nguồn tin: vietnamplus.vn