Xã hội

Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trong xây dựng Nông thôn mới

Nghệ An hiện có hơn 1.400 di tích, trong đó có 358 di tích đã được xếp hạng. Với hệ thống di tích, đình, chùa miếu mạo và danh thắng khá hấp dẫn, nhiều địa phương đã nỗ lực trong công tác tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di tích - danh thắng trong xây dựng nông thôn mới.

Với 2 di tích lịch sử văn hóa quốc gia: Đền Đức Hoàng và nhà thờ Trần Đăng Dinh cùng 2 di tích LSVH cấp tỉnh, xã Phúc Thành – huyện Yên Thành trở thành một trong những địa phương có nhiều di tích.
images1327593 ANH PS THANH HA 3
Đền Đức Hoàng - Di tích LSVH Quốc gia toạ lạc ở xã Phúc Thành - huyện Yên Thành

Ngoài tập trung khơi dậy mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các tiêu chí NTM thì xã Phúc Thành cũng đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Xã tăng cường tuyên truyền, quảng bá, đặc biệt kêu gọi con em xa quê hương đầu tư tôn tạo, trùng tu các di tích đã xuống cấp, đây là công việc được Đảng uỷ, chính quyền xã đặt lên hàng đầu để các di tích phát huy hiệu quả giá trị - Ông Đinh Văn Dương - Bí thư xã Phúc Thành, huyện Yên Thành nói.


Các địa phương cũng đã xây dựng các đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động liên quan đến di tích, văn hóa, tín ngưỡng; Tích cực thu hút các nguồn đầu tư phục hồi các di tích… Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia và nguồn kinh phí của tỉnh, tiền công đức của nhân dân đóng góp, nhiều di tích đã và đang được hoàn thiện, phục dựng trùng tu, tôn tạo và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc.

2images1327595 ANH PS THANH HA 4
Huyện Yên Thành chú trọng công tác xã hội hoá để trùng tu các di tích để phát huy giá trị các di tích

Ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: UBND huyện phối hợp với MTTQ kêu gọi con em Yên Thành, họ là những Doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt để đóng góp trùng tu các Di tích. Thông qua sinh hoạt các làng xã, phát động các viên chức, người dân ủng hộ kinh phí tôn tạo các di tích.

Theo ông Trần Sỹ Hồng - Phó trưởng phòng VH–TT-TT&DL huyện Diễn Châu, huyện Diễn Châu có chủ trương xã hội hoá công tác tôn tạo các di tích. Từ nguồn công đức, huyện đã làm tốt công tác bảo vệ, trông giữ di tích. Đối với các di tích mới được công nhận, huyện hỗ trợ mỗi di tích 10 triệu đồng cho công tác trông giữ, đón tiếp khách đến di tích.

Mặc dù vậy, không phải địa phương nào cũng quan tâm đến vấn đề này. Phần lớn vẫn chỉ mới chỉ tập trung trùng tu ở các di tích cộng đồng, chưa chú ý đến các di tích dòng họ. Trong tổng số 358 di tích trên địa bàn tỉnh được xếp hạng hiện nay thì gần 50% di tích bị xuống cấp.

3images1327596 ANH PS THANH HA 5
Việc tôn tạo, phát huy giá trị các di tích là một trong những công tác quan trọng trong xây dựng NTM

Ông Phan Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc cho biết: Xã động viên nhân dân tích cực khai thác giá trị các di tích đền thời, miếu mạo – nơi sinh hoạt tâm linh của người dân. Những năm qua, xã cũng đã tôn tạo được đền Vạn Thố và chùa Thiếu lâm tự, hiện tại xã quan tâm đến việc xây dựng các dòng họ văn hoá.

Với một tỉnh như Nghệ An có hệ thống di tích, lịch sử văn hóa, thắng cảnh dày đặc thì việc quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực để đẩy mạnh công tác phục dựng, tôn tạo, trùng tu, tu bổ sẽ góp phần tích cực để các địa phương sơm về đích trong xây dựng NTM. Đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích lịch sử văn hóa, danh thắng và đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.

Tác giả bài viết: Thanh Hà – Huy Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok