Trong tỉnh

Báo động sông Mã “nuốt” đất sản xuất của 29 hộ dân ở Thanh Hóa

Khoảng 6 năm nay, 12.000 m2 đất sản xuất nông nghiệp của 29 hộ dân thuộc huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) bị con sông Mã ngày đêm gặm nhấm, “nuốt” trọn.

Theo chân một cán bộ xã Vĩnh Hòa, chúng tôi có mặt tại vị trí đang xảy ra sạt lở đất bờ sông Mã, thuộc thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Theo quan sát của PV, chiều dài khu vực sạt lở kéo dài dọc bờ sông Mã khoảng 600m, trong đó có 4 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, đang khoét sâu vào diện tích đất nông nghiệp của người dân.

Bà Trịnh Thị Thể (77 tuổi), trú tại thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa chỉ tay về phía lòng sông Mã cho biết, ngày trước bờ sông Mã nằm tít ngoài xa, kế đến bãi bồi ven sông, sau đó mới đến đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Mấy năm gần đây, bờ sông Mã bị sạt lở liên tục, năm nào cũng lở sâu vào đất liền, nước cuốn trôi bãi bồi rồi lấn vào đất nông nghiệp của người dân địa phương.

Hàng trăm m2 bờ sông Mã qua địa phận xã Vĩnh Hòa bị sạt lở.


Hàng năm, bờ sông liên tục sạt lở khiến bà Thể và người dân hai thôn Nghĩa Kỳ, Giang Đông bất an, lo lắng đứng ngồi không yên, nhưng đành lực bất tòng tâm.

Là người dân sinh sống hơn 60 năm ở thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa, ông Phạm Ngọc Khiêm (70 tuổi) nắm khá rành rọt về quá trình bồi lấp, sạt lở bờ sông Mã. Ông Khiêm cho hay, tình trạng sạt lở bờ sông chỉ diễn ra liên tục trong mấy năm gần đây, trước không có như vậy. Hiện tại, vị trí sạt lở từ bờ sông cũ lấn sâu vào đất liền có chỗ gần 100m. Bãi bồi ven sông đã bị dòng nước “nuốt” mất.

Đất sản xuất của dân theo năm tháng trôi xuống sông Mã.


“Toàn bộ khu vực bãi bồi trước kia là của nhà tôi sản xuất nông nghiệp, nhưng sau đó thì sạt lở, giờ thì không còn tí nào nữa, nếu không ngăn chặn sớm, sông còn lở vào đến khu dân cư”, ông Khiêm lo lắng.

Ông Trần Xuân Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa cho hay, bờ sông Mã bắt đầu sạt lở từ năm 2017 đến nay. Thời kỳ đầu, mỗi năm sông Mã lấn vào đất liền khoảng 7 – 10m. Năm 2023, tình trạng sạt lở diễn biến nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, đặc biệt là từ đầu tháng 8 đến nay, do mưa lớn và thủy điện xả lũ. Đến nay, đã có khoảng hơn 12.000 m2 đất sản xuất nông nghiệp của 29 hộ dân trên địa bàn xã bị nước cuốn trôi, có những vị trí sạt lở lấn vào đất nông nghiệp 40 – 45m.

Tình trạng sạt lở sông Mã đoạn qua huyện Vĩnh Lộc những năm gần đây rất đáng báo động.

Để đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, trước đây, địa phương đã phối hợp với đơn vị khai thác cát sử dụng bao cát, đóng cọc tre kè ven bờ nhưng chỉ được một thời gian lại bị nước cuốn trôi hết. Vừa qua, UBND xã Vĩnh Hòa tổ chức lắp camera giám sát hoạt động trên sông, căng dây, cắm biển cảnh báo nguy hiểm dọc bờ sông để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

Chính quyền cũng khuyến cáo người dân không sản xuất, chăn nuôi tại các vị trí trí có nguy cơ sạt lở cao.

Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc, trong 600m sạt lở bờ sông Mã đoạn qua xã Vĩnh Hòa có 200m đi qua khu vực mỏ cát số 18 của Công ty TNHH Minh Chung. Cụ thể, tại mốc số 5 (mỏ cát số 18), chiều rộng sạt lở lớn nhất 25m, cách khu dân cư thôn Nghĩa Kỳ khoảng 150m. Ngoài ra, có 2 điểm sạt lở hạ lưu mỏ cát số 18, điểm số 1, cách mốc số 5 khoảng 150m, chiều dài cung sạt lở khoảng 100m, chiều rộng sạt lở 35m, cách khu dân cư sinh sống 90m; điểm số 2, cách mốc số 5 khoảng 250m, chiều dài cung sạt lở là 80m, chiều rộng là 35m, cách khu dân cư sinh sống 120m.

Chính quyền chăng dây, cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn tình mạng và tài sản cho nhân dân.

UBND huyện Vĩnh Lộc khẳng định, hiện nay, dọc bãi bồi thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông có nền địa chất chủ yếu là cát và đất phù sa, các mép lở đứng thành (5-7m) và có nhiều vết rạn, nứt, nguy cơ sạt lở tiếp tục xảy ra là rất lớn.

Huyện Vĩnh Lộc đã có văn bản báo cáo, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập đoàn đánh giá nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Mã; đồng thời hỗ trợ UBND huyện khắc phục triệt để sự cố sạt lở nêu trên bằng giải pháp thi công công trình kè chống sạt lở khẩn cấp tại bờ sông Mã, ngăn chặn sự cố sạt lở đất dẫn đến mất đất sản xuất, thiệt hại hoa mà và gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Tác giả: Phạm Xuân Chinh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok