|
Mai Lâm là một xã bán sơn địa của huyện Tĩnh Gia, với hàng loạt đồi núi bao quanh như núi Xước, núi Tràn, núi Mỏ quạ, núi Ba mặt, núi Cò trọoc… nơi bố trí các trận địa pháo phòng không của bộ đội ta trong chiến tranh chống Mỹ. Về giao thông, có tuyến QL1A chạy qua địa bàn xã, tuyến đường số 4 (513), đặc biệt là tuyến đường chiến lược Lão Tiến, nối từ Khoa Trường qua phà Đò Trại, chạy theo đường phía đông chân đồi 74, nối liền với đường số 4. Cung đường này là tuyến vận tải chiến lược, mỗi ngày có hàng trăm lượt ôtô, xe thồ, xe cải tiến đưa bộ đội, khí tài, vũ khí, lương thực… ra chiến trường. Với địa hình kín đáo, hiểm trở, cung đường này được chọn để thay thế đường 1A cho xe ta tránh các trọng điểm bắn phá ác liệt của không quân Mỹ như cầu Hổ, cầu Vằng, ga Khoa Trường. Ngoài ra, dòng sông Nhà Lê chảy qua Mai Lâm cũng là tuyến vận tải thủy quan trọng chi viện cho chiến trường. Riêng trên địa bàn xã, có 4 bến bốc dỡ hàng hóa dọc kênh Nhà Lê gồm M1, M2, M3 và M4. Từ đây, vũ khí, lương thực, thuốc men… được tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ vào chiến trường.
Cùng với các tuyến vận tải, để bảo vệ huyết mạch giao thông, nơi có các trọng điểm thường xuyên bị không quân Mỹ bắn phá, cũng như đánh trả tàu chiến Mỹ từ Hạm đội 7, trên các đỉnh núi Xước, Mỏ Quạ, Ba Mặt, đồi 74 và bến phà Trại đều được bố trí trạm ra đa, các trận địa pháo phòng không, pháo mặt đất loại từ 12 ly 7 đến 37 ly, 57 ly, 75 ly nhằm đánh trả lũ giặc trời và tàu chiến Mỹ. Tại các trận địa pháo cũng như cung đường giao thông huyết mạch, lực lượng dân quân, tự vệ, thanh niên và người dân địa phương thường xuyên có mặt để cùng bộ đội ta tham gia phục vụ chiến đấu, thông đường mỗi khi cần thiết.
Công sở xã Mai Lâm. |
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cũng như mọi địa phương khác trong cả nước, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mai Lâm đã đóng góp tối đa sức người, sức của cho mặt trận. Chấp hành Chỉ thị của Quân ủy Trung ương về xây dựng làng xã chiến đấu, đập tan chiến lược phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ, Mai Lâm đã thành lập 3 đại đội dân quân tại 3 HTX nông nghiệp với tổng số 326 người, 3 trung đội trực chiến gồm 198 người, một đội cứu thương 56 người, một đội tải thương 50 người, một trung đội lão dân quân trực chiến bắn máy bay 62 cụ, một tổ quân báo 4 người, một đội tải đạn phục vụ bộ đội, dân quân 24 người, một đội hậu cần 18 người, một đội phụ trách công tác sơ tán 30 người.
Ngoài lực lượng trên, hầu như toàn bộ người dân trong xã, không kể tuổi tác đều luôn sẵn sàng tham gia phục vụ chiến đấu, cứu thương, tiếp đạn, phục vụ cơm nước cho bộ đội mỗi khi có lệnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, các lực lượng của dân quân, tự vệ của Mai Lâm cùng với người dân trong xã đã tham gia đào công sự, hào giao thông, tu sửa cầu đường, bến phà… trên 150 nghìn ngày công. Cùng với đó, để đảm bảo lực lượng, đảm bảo an toàn cho nhân dân và bộ đội hành quân trên đường, toàn xã đã đào đắp, xây dựng hàng trăm nghìn hầm trú ẩn chữ A, hầm cá nhân, 4km hào giao thông.
Trong thời gian này, Mai Lâm đã trở thành một pháo đài đánh Mỹ, hệ thống hào giao thông, hầm trú ẩn, trận địa trực chiến của bộ đội, dân quân giăng khắp nơi, từ làng xóm, ruộng đồng, lớp học cho đến dọc các tuyến giao thông, bến đò trên địa bàn của xã. Cùng với phục vụ chiến đấu, lực lượng dân quân xã cũng đã hai lần lập chiến công trong đánh trả lũ giặc trời. Ngày 05/5/1965, trung đội dân quân trực chiến của xã tại ga Khoa Trường phối hợp với dân quân xã Tùng Lâm đã nổ súng, bắn rơi một máy bay F4D khi chúng ném bom nhà ga và đoàn tàu của ta đang đỗ tại đây. Tiếp đó, ngày 26/10/1965, trung đội dân quân trực chiến của xã tại đồi 74 cùng bộ đội cao xạ đã bắn hạ một máy bay ném bom F4 của không quân Mỹ. Với chiến công này, dân quân xã đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, Mai Lâm có 643 thanh niên nhập ngũ, chiến đấu ở các chiến trường; 257 người tham gia TNXP; 125 người đi dân công hỏa tuyến, xe thồ phục vụ chiến trường. Ngoài ra, tại địa phương có 1.093 người tham gia dân quân, thanh niên xung kích. Trong đó có 3 trung đội chực chiến, quân số 130 người do huyện đội Tĩnh Gia quản lý, 388 người phục vụ chiến đấu, 1 trung đội trực chiến cơ động 40 người, 3 tiểu đội phụ lão phòng không, 557 thanh niên xung kích sẵn sàng cơ động nhận nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ứng cứu giao thông trong mọi tình huống.
Bên cạnh các lực lượng trên, với tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh tất cả cho chiến thắng, trong những ngày chiến tranh khói lửa, toàn xã đã có 5.300 lượt hộ dân nhường nhà ở cho bộ đội, TNXP làm nơi trú quân, làm nhà kho chứa lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội. Ngoài ra, còn có hàng trăm gia đình đã chặt cả đồi cây, dỡ nhà để lót đường cho xe pháo hành quân, làm hầm trú ẩn cho bộ đội… mỗi khi máy bay giặc bắn phá. Ngoài các lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, toàn bộ người dân không kể tuổi tác, đều sẵn sàng tham gia ứng cứu giao thông, tiếp đạn, tải thương, tu sửa công sự, san lấp hố bom, bốc dỡ, vận chuyển vũ khí, lương thực… bất chấp bom rơi, đạn nổ.
Trạm y tế xã mới được khánh thành đưa vào sử dụng. |
Kết thúc chiến tranh chống Mỹ, toàn xã có 112 người con ưu tú ngã xuống vì Tổ quốc, 69 thương, bệnh binh và 36 người nhiễm chất độc da cam. Ngoài đóng góp to lớn cho chiến trường, Mai Lâm còn là “mái nhà” ấm áp đối với cán bộ miền Nam tập kết thông qua hoạt động đầy ý nghĩa của Hội “Mẹ chiến sĩ”. Với những đóng góp to lớn trên, quân và dân Mai Lâm đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý do Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, Quân khu Hữu Ngạn… trao tặng, trong đó có Huân chương Chiến công hạng Ba vì thành tích bắn rơi máy bay Mỹ. Về cá nhân, toàn xã có hàng trăm người được nhận 602 huân, huy chương; 162 huân huy chương Giải phóng các loại; 54 huân huy chương Chiến công; 2 huân huy chương Quân công; 272 Dũng sĩ diệt Mỹ; 158 huân huy chương làm Nhiệm vụ quốc tế; 275 gia đình được tặng Bảng vàng danh dự; 396 gia đình có công trong kháng chiến được nhận Bằng Gia đình vẻ vang; 67 người được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua; 213 gia đình được tặng Bằng khen.
Sau ngày thống nhất đất nước, bước vào công cuộc đổi mới, phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mai Lâm đã nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Theo ông Lê Tiến Lũy - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, trong những năm gần đây, nhờ các chính sách hỗ trợ, phát triển ngành nghề, gắn với phát triển thương mại, dịch vụ… thu nhập bình quân và đời sống người dân trong xã đã có sự cải thiện đáng kể. Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, Mai Lâm đặt mục tiêu đến năm 2019 thu nhập bình quân đạt 30 triệu đ/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo tiêu chí mới giảm dưới 5%, có 70% hộ gia đình trở lên tham gia liên doanh, liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao, cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng, phấn đấu về đích nông thôn mới trong thời gian tới theo đúng lộ trình đã định…
Cùng với phát triển kinh tế, Mai Lâm còn là một trong những xã trọng điểm về công tác GPMB, phục vụ cho các dự án quan trọng của Khu Kinh tế Nghi Sơn. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, các cấp, ngành của huyện, nhất là Ban GPMB Tĩnh Gia, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, vận động nhân dân làm tốt công tác bàn giao GPMB, không để ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án lớn. Được sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ về chính sách của tỉnh và huyện, nhất là ý thức được trách nhiệm công dân của mình đối với sự phát triển của đất nước, hàng vạn hộ gia đình người dân Tĩnh Gia, trong đó có người dân Mai Lâm, đã chấp nhận hy sinh, gian khổ, tự nguyện di chuyển đến nơi tái định cư mới, bàn giao lại nhà cửa, ruộng vườn… cho các dự án.
Tác giả: Đào Nguyên
Nguồn tin: Báo Xây dựng