Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt khoảng 9 tỷ USD. |
Chia sẻ trước sự kiện ngày hội kết nối doanh nghiệp thuỷ sản với 4 nhà mua từ Hoa Kỳ diễn ra vào 17/6 tới đây, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNN), Việt Nam có tiềm năng sản xuất thủy hải sản đặc trưng theo từng vùng miền.
Tới thời điểm này, sản phẩm xuất khẩu tới trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, các thị trường lớn, khó tính đều chinh phục được. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã vượt 9 tỷ USD. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, hội nhập của thủy sản rất sâu vào khu vực và trên thế giới trong đó có sự tham gia tích cực của các ngành hàng, hiệp hội, các doanh nghiệp lớn.
"Riêng về con tôm là một trong những sản phẩm có thế mạnh nhất hiện nay. Tôm Việt Nam đã xuất khẩu tới 65 thị trường, trong đó EU là thị trường tôm lớn nhất của Việt Nam, sau đó là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Hồng Kông, Asean… Xuất khẩu tôm các loại năm 2018 đạt hơn 300 ngàn tấn mang về giá trị xuất khẩu trên 3,35 tỷ USD, chiếm 40,1%", ông Toản cho biết.
Theo ông Toản, hiện tiêu thụ thủy hải sản bình quân 1 người trên thế giới là 22,3 kg/người/năm tăng hơn 0,5 kg so với 2017. Dự báo tiêu thụ thủy hải sản vẫn tiếp tục tăng và xu hướng tiêu dùng sẽ chuyển sang thủy sản nuôi có vỏ, tươi sống, các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn, dễ sử dụng.
Đại diện Bộ Nông nghiệp cũng chỉ ra lợi thế xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Như Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực từ 14/1/2019, Việt Nam trở thành một trong 7 quốc gia thực thi hiệp định này. Theo đó, mang lại cơ hội thuế quan cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam bởi các nước trong khối cam kết xóa bỏ từ 97-100% số dòng thuế nhập khẩu với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Một hiệp định khác là EVFTA với Châu Âu cũng có dòng thuế thủy sản về 0% trong 4 năm tới, ngoài ra có hiệp định VJEPA với Nhật Bản có 64/330 dòng thuế về 0%; 28 dòng thuế chiếm 71% xuất khẩu như tôm sú, tôm chế biến ghẹ cua về 0%...
Tuy nhiên, Bộ NNPTNT cũng dự báo một số khó khăn như kinh tế thế giới còn rất nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt là những căng thẳng xung đột thương mại của các thị trường lớn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức dự báo không cao, căng thẳng thương mại tại các thị trường lớn tác động tới kinh tế thế giới và giảm triển vọng tăng trưởng của các quốc gia này…
Trong việc kết nối thị trường xuất khẩu, ông Toản cho rằng, nút thắt là thông tin đầy đủ cho các thị trường khác nhau. Tại nội địa là thông tin về sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng để 2 đối tượng mua - bán gặp nhau. Đồng thời định hướng tiêu dùng: một người Việt Nam trong rổ thực phẩm hàng ngày bao nhiêu % là thủy sản và phối hợp với ngành y tế để học sinh tiếp cận được sản phẩm thủy sản, và tầm quan trọng của nó.
Ông Toản cũng đánh giá, những sự kiện ngày hội kết nối doanh nghiệp sẽ có vai trò quan trọng trong kết nối cung cầu. Tuy nhiên, để đạt được sự thành công này đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành địa phương và đặc biệt là đông đảo các doanh nghiệp coi đây là cơ hội, tận dụng cơ hội này thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường.
Còn theo ông Josh Madeira, Phụ trách chính sách bảo tồn biển, chuyên gia Seafood Watch cho biết, nhiều nhà mua quốc tế muốn hỗ trợ các cải tiến có thể mang lại lợi ích bền vững, nhưng có rất ít doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô.
Theo ông Josh Madeira, Liên minh Tôm sạch và bền vững ở Việt Nam sắp ra mắt tới đây sẽ đưa ra một cách tiếp cận mới có thể tăng tốc các cải tiến theo cách có thể đo lường được và minh bạch. Điều này đã tạo ra sự quan tâm của một số người mua ở Hoa Kỳ, những người muốn xem kết quả có thể đáp ứng sự mong đợi của khách hàng.
"Để đáp ứng được một số thị trường truyền thống và kỳ vọng ở một số thị trường quốc tế mới nổi thì ngành tôm Việt Nam phải tập trung vào việc cải thiện chất lượng, thay đổi thói quen nuôi và tạo sự minh bạch thông qua chuỗi cung ứng, đặc biệt là chủ động hơn nữa cho việc ứng dựng công nghệ", ông nói thêm.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí