Kinh tế

Gỡ vướng xác nhận nguyên liệu thủy sản trong khắc phục thẻ vàng

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục thẻ vàng, nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa đáp ứng được cần phải tiếp tục cải thiện, tuy nhiên, các DN thủy sản đang gặp khó trong việc xác nhận nguyên liệu.

DN mong muốn tạo thuận lợi trong quy trình xác nhận nguyên liệu chế biến. Ảnh: T.H

Ách tắc trong quy trình xác nhận nguyên liệu.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau đợt kiểm tra mới đây từ ngày 15 – 23/5/2018 của Ủy ban châu Âu (EC), EC vẫn giữ thẻ vàng với hải sản Việt Nam và sẽ có đợt đánh giá tiếp theo vào tháng 1/2019. Đoàn thanh tra của EC cho rằng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa đáp ứng được cần phải tiếp tục cải thiện.

Tuy nhiên, hiện nay các DN thủy sản lại đang gặp vướng mắc trong việc xác nhận nguyên liệu chế biết. Theo phản ánh của một số DN XK hải sản, từ 18/3/2018 đến nay, trong hơn 3 tháng ròng, số lượng nguyên liệu hải sản khai thác được xác nhận tại các cảng không được bao nhiêu, việc này đang gây khó cho các DN xuất khẩu thủy sản. Có nhiều lý do, như: Việc chuyển giao nhiệm vụ xác nhận nguyên liệu khai thác từ Chi cục Thủy sản sang Cảng cá theo Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT; thiếu nguồn lực, nhân lực, cơ sở hạ tầng…

Với nhiệm vụ xác nhận nguyên liệu khai thác, một số cảng cá hiện nay đang áp dụng một cách nguyên tắc và cứng nhắc theo các quy định tại Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT dẫn đến một số ách tắc trong quy trình xác nhận nguyên liệu.

Theo quy định tại thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT, tổ chức quản lý cảng cá chỉ ký xác nhận sau khi đối chiếu nhật ký khai thác với thông tin về vị trí hoạt động của tàu do các trạm bờ cung cấp. Trong các trường hợp không ký giấy xác nhận, Tổ chức quản lý cảng cá phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều tàu khi muốn truyền dữ liệu về bờ, chủ tàu sẽ ấn nút truyền dữ liệu vị trí của tàu, trạm bờ đặt tại các Chi cục Thủy sản sẽ nhận tín hiệu và lưu vào hệ thống máy tính. Việc chuyển thông tin nhiều khi bị nghẽn mạch do một số yếu tố khác nhau và chưa đáp ứng được. Do đó, nhiều chủ tàu phải chủ động gọi điện cho Chi cục để xác nhận, điều này thì không phải chủ tàu nào cũng có thể làm được nhất là tàu đang ở ngoài khơi xa.

Bên cạnh đó, theo quy định, các tàu cũng phải gửi tín hiệu thông báo vị trí của tàu, số lượng tin nhắn không thống nhất chung mà tùy theo quy định của mỗi Chi cục. Do đó, một số tàu chỉ nhắn đủ số lượng tin nhắn theo quy định để làm thủ tục về sau, sau đó không nhắn tin nữa. Bất cập này cũng khiến DN không được cảng cá xác nhận nguyên liệu với những lô không có được dữ liệu tin nhắn.

Để khắc phục, khi tàu vào cảng, chủ tàu đã báo cho ban quản lý cảng cá để cử cán bộ tham gia cân nguyên liệu cùng với DN thu mua nhằm xác nhận số lượng, nhưng khi làm bảng kê nguyên liệu DN vẫn không lấy được giấy xác nhận. Lý do không xác nhận được cảng cá đưa ra cũng không rõ ràng chỉ vỏn vẹn vài từ: “Không nhắn tin” hoặc “Có nhắn tin nhưng không đủ cơ sở xác nhận”, khiến cả DN và chủ tàu không hiểu và khó khắc phục.

Trong khi đó, Thông tư 02/2018 cũng không có nội dung hướng dẫn rằng nhắn tin như thế nào thì đủ hay không đủ cơ sở xác nhận. Tình trạng trên đã tạo ra những khó khăn và áp lực rất lớn cho các DN xuất khẩu, gây cản trở và tốn rất nhiều thời gian, công sức vì cần phải có các “giấy tờ” cần thiết để phục vụ cho XK sau đó.

Gỡ vướng để khắc phụ thẻ vàng

VASEP cho rằng, theo các phản ánh của DN, khi tàu khai thác cập cảng để dỡ cá, chủ tàu đã báo cho ban quản lý cảng cá để cử cán bộ tham gia cân nguyên liệu để xác nhận số lượng, sau đó DN phải hoàn tất hồ sơ gửi các cơ quan chức năng để đề nghị xác nhận. Nhưng đến khi xem xét hồ sơ, nhiều ban quản lý cảng cá do không có đủ nhân lực cũng như thiếu trang thiết bị cần thiết nên thời gian xử lý chậm. Trong trường hợp hồ sơ không đảm bảo các điều kiện theo quy định (thiếu nhật ký khai thác, giấy phép khai thác, không nhắn tin hay có nhắn nhưng không đủ cơ sở xác nhận) chưa được giải quyết.

Hiện tại trong Thông tư 2 và các hướng dẫn ban hành không có qui định nào yêu cầu cung cấp giấy phép khai thác, tàu cá nhắn tin và thực tế khi thu mua thì công ty cũng không biết được tàu nào nhắn tin và tàu nào không nhắn tin, cơ quan chức năng không phản hồi kịp thời dẫn đến hồ sơ thông báo muộn. DN phải làm đi làm lại, mất thời gian và ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.

Theo VASEP, việc chuyển giao nhiệm vụ xác nhận nguyên liệu sang các cảng cá từ 18/3/2018 trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực khắc phục thẻ vàng và cải thiện quản lý nghề cá theo những định hướng phát triển bền vững. Việc chuyển giao được đánh giá là phù hợp trong tiếp cận theo các yêu cầu mới. Tuy nhiên, từ thời điểm chuyển giao cũng bắt đầu có ách tắc nhiều lô nguyên liệu khai thác không được xác nhận. Một số DN làm việc với cảng cá nhận định do nghiệp vụ xử lý của nhân viên cảng cá còn chậm, do thiếu hoặc không có kịp thời các thông tin dữ liệu tàu thuyền, không đối chiếu được.

Theo các DN, nguồn nguyên liệu khan hiếm, thu mua khó khăn, lại chật vật qua thủ tục xác nhận nguyên liệu, DN XK hải sản cho rằng, dù đã cố gắng, nhưng không biết trụ được ở thị trường EU đến bao giờ? Và quan trọng hơn cả là phải khắc phục được những bất cập trong việc xác nhận, chứng nhận trước thời hạn tháng 1/2019.

Từ thực tế trên, các DN đang mong mỏi có sự điều chỉnh và cải thiện đồng bộ, từ việc có cơ chế chặt chẽ hơn với ngư dân để họ nộp đầy đủ nhật ký khai thác và gửi tin nhắn về trạm bờ, lấy cơ sở xác nhận. Các cảng cá cũng cần được phân định rõ trách nhiệm nghĩa vụ, cải thiện nghiệp vụ và cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xác nhận nguyên liệu một cách đầy đủ, kịp thời hơn.

Đặc biệt là sự hợp tác và hỗ trợ của cảng cá cũng như các cơ quan quản lý liên quan để giúp DN và ngư dân khắc phục những bất cập từ quy định và thực trạng, tạo điều kiện cho DN sản xuất, XK và đáp ứng quy định của thị trường EU.

Tác giả: Lê Thu

Nguồn tin: Báo Hải quan

  Từ khóa: thủy sản , thẻ vàng , khai thác

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok