Trong tỉnh

Xứ Thanh thành vùng động lực Bắc Trung Bộ

Thanh Hóa đang tràn đầy cơ hội để vươn mình trở thành vùng động lực của khu vực Bắc Trung Bộ trong tương lai gần

Ngày 14-1, Ban Bí thư có Quyết định 218-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Đề án 218). Đây là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa phát triển, sớm trở thành vùng động lực cho khu vực Bắc Trung Bộ.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Thanh Hóa là một tỉnh lớn cả về diện tích và dân số của Việt Nam (đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số), có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội khi có rừng, biển, đường biên giới, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đặc biệt, Thanh Hóa là tỉnh cửa ngõ của khu vực Bắc Trung Bộ, là cầu nối các tỉnh miền Trung với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Trung tâm TP Thanh Hóa hôm nay

Trong những năm gần đây, để sớm hiện thực hóa "khát vọng thịnh vượng", địa phương này đã có những bước đi vững chắc, đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tỉnh tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế... được xem là "chìa khóa" tạo nên thành công, tăng trưởng cho Thanh Hóa. Cụ thể là phát triển 4 trung tâm động lực (tứ sơn) gồm: trung tâm động lực TP Thanh Hóa - Sầm Sơn; trung tâm động lực phía Nam (Khu Kinh tế Nghi Sơn); trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn); trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng) được xem là đòn bẩy giúp Thanh Hóa phát triển đồng đều, khai thác lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng.

Đặc biệt, trong dự thảo nhiệm vụ và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020-2025, Thanh Hóa quan tâm tới rất nhiều mục tiêu, trong đó chú trọng tới việc phát triển 6 hành lang kinh tế giúp kết nối với TP Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Lào để tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ... Trong đó, hành lang kinh tế ven biển (kết nối với TP Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An), hành lang kinh tế Bắc Nam (nối TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ), hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (nối Thanh Hóa với TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc và Nghệ An) và hành lang kinh tế quốc tế nối cảng biển Nghi Sơn - cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và Lào... là những lợi thế mà Thanh Hóa đang hướng đến để biến những tiềm năng đó trở thành thế mạnh.

Thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh

Tại hội nghị BCĐ Đề án 218 tổ chức đầu tháng 3, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết Thanh Hóa xem xây dựng Đề án 218 là nhiệm vụ quan trọng, mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành trung ương để xây dựng một đề án có chất lượng, tính thuyết phục cao để trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết cho Thanh Hóa, tạo cơ hội cho Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. "Việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Thanh Hóa không chỉ cho Thanh Hóa mà còn cả vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Vì là tỉnh còn khó khăn, trung ương phải hỗ trợ Thanh Hóa rất nhiều. Vì vậy, nếu Thanh Hóa phát triển nhanh, mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước thì trung ương cũng đỡ vất vả với Thanh Hóa" - ông Chiến nói.

Tại hội nghị này, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện mọi tiềm năng, thế mạnh của Thanh Hóa, Bộ Chính trị nhận thấy Thanh Hóa có điều kiện vươn lên mạnh mẽ, thực sự trở thành động lực để phát triển cho khu vực Bắc Trung Bộ, miền Trung và có tác động lan tỏa cho cả nước, góp phần quan trọng bảo đảm quốc phòng, an ninh, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế. Do vậy, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập BCĐ Đề án 218.

Ông Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị quá trình xây dựng đề án phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển nhanh và bền vững, đặt phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa trong tương quan tổng thể phát triển chung của cả nước trên cơ sở khai thác và phát huy triệt để các lợi thế so sánh của Thanh Hóa. "Đề án phải thật sự có tầm nhìn chiến lược, quan điểm, mục tiêu rõ ràng, hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi và có tính đột phá cao. Trong đó, đề án phải đặc biệt quan tâm đến nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế để giúp Thanh Hóa có động lực khai thác đầy đủ mọi tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa và giá trị con người Thanh Hóa. Trọng tâm của đề án và nghị quyết là tạo cho Thanh Hóa thể chế, cơ chế chính sách, bộ máy và cách thức tổ chức hệ thống chính trị sao cho thông thoáng, trên cơ sở đó tạo ra các nguồn lực, tạo đột phá cho Thanh Hóa phát triển trên tinh thần Thanh Hóa vì cả nước và cả nước vì Thanh Hóa" - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Một năm phát triển toàn diệnvề mọi mặt

2019 là một năm phát triển mạnh mẽ của Thanh Hóa, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 17,15% - mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch đúng hướng. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.325 USD. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất ước đạt 126.072 tỉ đồng (tăng 32,6% so với cùng kỳ). Thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 28.000 tỉ đồng (thu nội địa đạt 17.454 tỉ đồng, vượt 12,3% dự toán, tăng 8,6% so với cùng kỳ). Thành lập mới trên 3.000 doanh nghiệp (xếp thứ 7 cả nước). Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 125.000 tỉ đồng...

Năm 2019, chương trình xây dựng nông thôn mới nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, đã có 6 huyện, TP, 350 xã (đạt tỉ lệ 61,5%), 799 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra); công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính đạt kết quả quan trọng, thực hiện sắp xếp 143 đơn vị hành chính cấp xã thành 67 đơn vị (giảm 76 xã), đi đầu cả nước trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Tác giả: Thanh Tuấn

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok