Trong tỉnh

Xứ Thanh dần chạm tay đến ước mơ “cường thịnh”

2019 là năm có nhiều biến động, thế nhưng Thanh Hóa lại đạt được nhiều bước tiến vượt bậc về kinh tế, xã hội mà chỉ 10 năm trước thôi có “nằm mơ” cũng chưa dám nghĩ tới. Điều đó giúp người dân xứ Thanh đang dần chạm tay vào ước mơ của một cuộc sống “cường thịnh”.

Một góc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Ảnh: Hà Đại

Từ những con số biết nói...

Nói đến xứ Thanh, từ xưa tới nay dường như rất nhiều người trên khắp đất nước luôn cho rằng, đó là một “vùng quê rau má”, quanh năm túng thiếu, phải đi xin Trung ương hỗ trợ gạo, tiền.

Nói đến xứ Thanh, nhiều người nghĩ ngay đến một địa phương có huyện 30A đứng đầu cả nước, với tổng số 7 huyện. Và, nói đến xứ Thanh, người ta nghĩ đến một địa phương đông dân đứng thứ 3 cả nước, nhưng rất khó khăn và nghèo đói....

Tôi còn nhớ, cách đây mươi năm về trước, cả tỉnh Thanh Hóa, mỗi năm thu ngân sách cũng chỉ đạt chừng trên dưới dăm nghìn tỷ đồng mà thôi. Đến năm 2014, lần đầu tiên Thanh Hóa có tổng số thu ngân sách đạt gần tám nghìn tỷ đồng.

Dẫu mức thu ngân sách so với bình quân chung cả nước thời điểm ấy, thì Thanh Hóa vẫn đang ở mức “khiêm tốn”, thế nhưng tính bình quân về tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2014, đều luôn đạt ở mức trên chục phần trăm...

Rồi đến hai năm sau (2015 và 2016), Thanh Hóa đã có mức tăng vượt bậc, đáp ứng được hơn 50% chi thường xuyên của địa phương này. Cụ thể, năm 2015, tổng thu ngân sách gần 11.000 tỷ, năm 2016 thu được trên 11.000 tỷ đồng...

Một sự kiện đáng chú ý nhất về phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, đó là vào ngày 1/5/2018, khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tại Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, đã xuất xưởng thành công lô sản phẩm lọc dầu đầu tiên xăng Ron 92 (Mogas 92).

Sự kiện này đánh dấu sự thành công của nhiều năm đầu tư, cung cấp tài chính, xây dựng và vận hành thử tổ hợp lọc hóa dầu trị giá 9 tỷ USD, với sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan. Liên hợp hóa lọc dầu trị giá 9 tỷ USD này đã chế biến thành công dầu thô nhập khẩu từ Kuwait, cho ra đời các sản phẩm xăng, dầu đáp ứng mọi tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất bán cho các đối tác thương mại, để phục vụ nhu cầu tại thị trường Việt Nam.

Cụ Đỗ Thị Mơ (83 tuổi) ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa là người nộp đơn lên UBND xã để xin thoát nghèo.

Mặc dầu Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới vận hành được chừng 40% công suất, nhưng trong năm 2018, nhà máy này đã nộp ngân sách khoảng hơn 8.000 tỷ đồng, đưa tổng thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa lên trên 23.000 tỷ đồng.

Ở thời điểm đó, khi tỉnh Thanh Hóa thu ngân sách đạt được hơn 23.000 tỷ đồng đã là một kỳ tích chưa từng có. Thế nhưng, khi kết thúc năm 2019, thì tổng thu ngân sách của tỉnh Thanh đã đạt trên 27.300 tỷ đồng, vượt dự toán 2,7% và tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 17,15%, là mức tăng trưởng cao nhất chưa từng có từ trước đến nay. Nhờ đâu mà tỉnh Thanh lại có thể thu ngân sách bằng một con số ấn tượng như vậy?

Có thể nói, đó là KKT Nghi Sơn đã thực sự trở thành “trụ cột” cho nền kinh tế Thanh Hóa. Bởi lẽ, theo báo cáo của tỉnh, trong năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ thương mại tại KKT Nghi Sơn đạt khoảng 145.751 tỷ đồng, tăng 398% so năm 2017; giá trị xuất khẩu đạt 1.336,4 triệu USD, tăng 67%; nhập khẩu đạt 3.479,6 triệu USD, tăng 518%; thu ngân sách Nhà nước đạt 13.092 tỷ đồng, tăng 246%.

Trong đó, chỉ tính riêng dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn, đã nộp ngân sách 9.321 tỷ đồng, gồm: Các loại thuế 8.200 tỷ đồng, tiền thuê đất khu C là 1.121 tỷ đồng, gấp 3,37 lần so với năm 2017 (thu từ KKT Nghi Sơn: 11.873 tỷ đồng, các KCN: 1.219 tỷ đồng). Dự kiến trong năm 2020, thu ngân sách từ KKT Nghi Sơn ước đạt trên 18.300 tỷ đồng; giải quyết 100.000 việc làm cho người lao động.

Hồi cuối tháng 12/2019 vừa rồi, tại buổi họp báo Quý IV, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, khẳng định rằng: Năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Đó là, tỉnh Thanh không chỉ đạt mức thu ngân sách cao nhất từ trước tới nay, mà các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này đều tăng trưởng, như: Nông, lâm, thủy sản tăng 1,92%; công nghiệp - xây dựng tăng 21,87%; dịch vụ tăng 7,71% và thuế sản phẩm tăng 61,26%. Trong đó, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao; giá trị sản xuất ước đạt 126.072 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ và hầu hết sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng đều có sản lượng tăng.

Các ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, một số ngành có nhiều khởi sắc; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 108.643 tỷ đồng, vượt 3,5% kế hoạch, tăng 15,2% so với cùng kỳ; giá cả hàng hóa, dịch vụ cơ bản ổn định; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,72 tỷ USD, vượt 24% kế hoạch, tăng 27,6% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,93 tỷ USD; lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn, thành tích cao đã đạt được kết quả tốt nhất từ trước đến nay với 4 huy chương (3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc) tại kỳ thi Olympic quốc tế, 1 Huy chương Đồng tại kỳ thi Olympic khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,27%...

Ông Thào A Thái (42 tuổi) – Trưởng bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát là người vượt hàng chục km đường rừng đi nộp đơn xin thoát nghèo.

...đến thực tế hiện tại

Nói đến tỷ lệ hộ nghèo ở xứ Thanh hiện nay đã giảm xuống mức khá thấp, tôi lại nhớ cách đây cũng chừng chục năm trở về trước. Lúc bấy giờ, tỉnh Thanh Hóa “có tiếng” là nghèo. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh này đang chiếm 24,86% thì đến năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thanh Hóa giảm xuống còn 9,90%, và đến thời điểm hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thanh chỉ còn 3,27%.

Có lẽ, chưa bao giờ người dân xứ Thanh lại có thể hình dung được hình ảnh một bà cụ hơn 80 tuổi, ở một xã nghèo của một huyện nghèo nhất nước lại đạp xe lên UBND xã để nộp đơn xin “thoát nghèo”, trong khi cụ sống một mình.

Để rồi sau đó, tối 17/10/2019, trong buổi truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, cụ Đỗ Thị Mơ được mời đến dự.

Những lá đơn xin thoát nghèo của bà con đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Lý do cụ Mơ được người ta mời đến dự chương trình này, bởi đơn giản cụ là một người có 2 năm liền làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Khi cụ Mơ xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia, đã khiến nhiều khán giả xúc động bởi tinh thần nỗ lực vươn lên thoát nghèo của một người đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”. Còn lý do cụ Mơ xin ra khỏi hộ nghèo, cũng chỉ vì thấy nhiều người trong xã hội còn khó khăn hơn mình.

Hay hình ảnh một trưởng bản Tà Cóm, ở xã Trung Lý, huyện Mường Lát vượt quãng đường hơn 50km đường rừng, để nộp đơn cho UBND xã xin ra khỏi hộ nghèo. Và, có lẽ cũng chưa bao giờ người ta lại tưởng tượng được cảnh hơn 130 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số, ở huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn lại tự nguyện viết đơn xin “thoát nghèo” rồi đem đến nộp cho chính quyền địa phương.

Khi nghe chuyện hơn 130 hộ dân ở huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn làm đơn xin “thoát nghèo”, tôi cũng đã từng đi đến tận nơi, tìm gặp họ để tìm hiểu lý do vì sao? Và rồi, khi đã gặp được những con người chân chất ấy, những “lão nông tri điền” ấy, nghe họ tâm sự bằng những lời chân chất, mộc mạc từ đáy lòng, tôi mới hiểu ra rằng: Bà con tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo không phải vì lý do này hay áp lực kia, mà đơn giản là để “nhường phần nghèo” ấy cho người khác còn khó khăn hơn mình.

Ví dụ như trường hợp gia đình anh Lò Văn Panh, ở bản Hẹ, thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn). Cách đây 3 năm, gia đình anh được dân bản bình xét vào diện hộ nghèo. Vừa rồi, anh Panh quyết định viết đơn xin “thoát nghèo”, như sau: “Nhìn thấy những hộ dân khác trong bản đã thoát được nghèo nhờ siêng năng lao động, đầu tư làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo chăm sóc rừng vầu, nứa vợ chồng tôi đã học tập làm theo.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, gia đình tôi viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo và lấy đó làm mục tiêu phấn đấu vươn lên”. Hoặc như cụ Hà Văn Hợi (hơn 70 tuổi) ở bản Hạ, xã Sơn Hà (Quan Sơn), cũng tự tay viết đơn xin “thoát nghèo”.

Cụ Hợi, bảo rằng: Ngày trước, con trai cụ còn vướng chuyện học hành, nên không có người làm ruộng, chăm sóc đồi rừng... Từ khi con trai của cụ ra trường, vì không xin được việc làm, nên ở nhà đỡ đần cho cha mẹ, gia đình lại có rừng Nhà nước giao khoán, có ruộng, thêm sức lao động, có thu nhập ổn định... thì mình phải xin thoát nghèo thôi. Xin thoát nghèo để mà phấn đấu làm giàu.

in thoát nghèo, để nhường cho người khác còn có điều kiện khó khăn hơn mình, chứ không phải xin thoát nghèo vì “bệnh sĩ nghèo”....

Theo số liệu thống kê của Thanh Hóa, trong 3 năm qua, chương trình xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững ở tỉnh này luôn nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp...

Đồng thời, phát huy được vai trò tích cực, sáng tạo của địa phương, của chính bản thân người nghèo, khơi dậy được mối quan hệ, tình đoàn kết, thương yêu nhau trong cộng đồng dân cư trong việc giúp nhau sản xuất... cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo.

Chương trình giảm nghèo đạt được những kết quả quan trọng, Thanh Hóa đã giảm được trên 47,1 nghìn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Có được kết quả ấy là sự mong mỏi, dồn tâm sức, trí tuệ và quyết tâm nỗ lực bền bỉ không ngừng của cả hệ thống chính trị và biết bao thế hệ người dân tỉnh Thanh.

Tác giả: Thế Lượng

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok