Trong tỉnh

Xử phạt doanh nghiệp chậm lên sàn: Giơ cao nhưng đánh vẫn khẽ

Hơn 700 doanh nghiệp Nhà nước (DN) đã cổ phần hóa (CPH) nhưng chây ì lên sàn theo quy định. Và mặc dù đã có nghị định để xử phạt, song đến nay chưa có DN nào bị phạt. Lý do vì sao?

Huy động vốn rồi rút hồ sơ niêm yết

Mới đây, báo Người đưa tin đăng tải bài viết phản ánh trường hợp ông Nguyễn Văn T. (trú tại Hà Nội) “tố” công ty cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa (Công ty Tiên Sơn) huy động hơn 8 tỷ đồng của nhà đầu tư khi trở thành công ty đại chúng năm 2014, tuy nhiên hiện nay đã không thể lên sàn, khiến nhà đầu tư đang khóc dở mếu dở.

Ông T cho biết, năm 2015 ông mua 70.000 cổ phiếu của công ty Tiên Sơn (mã chứng khoán: TSH) - một công ty may xuất khẩu lớn ở xứ Thanh. Tuy nhiên đã gần 2 năm, ông T. chưa một lần được công ty Tiên Sơn mời họp đại hội cổ đông và cũng chưa nhận được bất kỳ một khoản cổ tức nào do công ty này chi trả.

Theo hồ sơ, Tiên Sơn đã trở thành công ty đại chúng vào năm 2014 và hiện tại vẫn nằm trong danh sách công ty đại chúng của UBCKNN. Ngày 15/07/2015, công ty đăng thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Thời điểm chốt danh sách là 16h ngày 28/07/2015.

Tuy nhiên, ngày 07/03/2016, Tiên Sơn có Công văn số 18/TSH gửi HNX về việc tạm rút hồ sơ niêm yết để hoàn thiện báo cáo tài chính và kiểm toán.

Cũng theo ông T., từ khi rút hồ sơ niêm yết trên HNX, công ty Tiên Sơn không thông báo đến các cổ đông về việc đại hội cổ đông và phương án xử lý số cổ phần mà công ty này đã bán ra.

Ông T. cùng các cổ đông khác đã nhiều lần liên lạc với Chủ tịch HĐQT công ty là ông Trịnh Xuân Lâm, nhưng chỉ nhận được các câu trả lời lần khất, hứa hẹn rất chung chung khiến cho nhiều cổ đông đặt nghi vấn bị công ty này chiếm dụng vốn.


Phó Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn.Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp DN Nhà nước sau khi cổ phần hóa thì chây ì lên sàn mà chưa bị xử lý hiện nay. Theo báo cáo của bộ Tài chính tổng hợp từ 17 bộ, 53 địa phương, 84 tập đoàn kinh tế, tổng công ty thì đến hết quý II/2017, vẫn còn tới 730 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Mới đây, trong danh sách bị “bêu tên” do chây ì lên sàn, nhiều ông lớn DN đã lộ diện như Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, công ty Cổ phần Đại lý hàng hải, công ty Cổ phần Than Miền Nam, công ty Cổ phần Kinh doanh than Cẩm Phả, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội: Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội, công ty Cổ phần Bao bì Habeco, Tổng công ty Xây dựng số 1 (công ty cổ phần Xây dựng số 14, công ty Cổ phần Xây dựng và kinh doanh nhà Cửu Long, công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng); Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (công ty Cổ phần In đường sắt Sài Gòn, công ty Cổ phần Viễn thông – Tín hiệu đường sắt, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch đường sắt Hà Nội,...

Theo quy định của pháp luật, tại khoản 2, Điều 7, Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết do Bộ trưởng bộ Tài chính ban hành quy định rõ: “Trong vòng một (01) năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, công ty đã là công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM”.

Nghị định 145/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, cũng hướng dẫn xử phạt các doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn. Trong đó, mức phạt cao nhất sẽ được áp dụng từ 300-400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, hoặc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán trên 12 tháng.

Thế nhưng, thực tế đến nay chưa từng có DN nào bị xử phạt vì vi phạm này.

Sẽ mạnh tay xử phạt

Liên quan đến câu chuyện trên, Phó Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cũng xác nhận, cơ quan này chưa xử phạt một trường hợp nào cổ phần hóa nhưng chậm niêm yết trên sàn chứng khoán.

Phó Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn.

Lý do được ông Sơn đưa ra là cần xử lý linh hoạt vì các DN khi mới vào thị trường chứng khoán còn có chút bỡ ngỡ. Ông Sơn cho biết, thời gian qua UBCKNN đã triển khai quyết liệt nhiệm vụ này, mời các DN lên và tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm, đồng thời hướng dẫn các DN yêu cầu các công ty chứng khoán tư vấn để làm sao minh bạch thông tin hơn, có sự chuyển nhượng dễ dàng hơn.

“Khi mời các DN lên làm việc thì đã có một số DN thực hiện đăng ký giao dịch” – ông Sơn nói.

Trao đổi với PV báo Người đưa tin về lý do công ty Tiên Sơn Thanh Hóa chậm lên sàn, Chủ tịch HĐQT công ty – ông Trịnh Xuân Lâm cho biết, năm 2014, Tiên Sơn ký hợp đồng với công ty tư vấn môi giới về việc đưa Tiên Sơn lên sàn để huy động vốn trong thời điểm TPP đang chuẩn bị thực hiện. Nhưng đến khi nhận được biên bản về việc vi phạm không báo cáo định kỳ của UBCKNN, Tiên Sơn mới biết là công ty vi phạm. Hiện tại công ty Tiên Sơn đề nghị công ty môi giới hoàn tất thủ tục, chậm nhất là hết năm nay sẽ đưa Tiên Sơn lên sàn chứng khoán còn nếu không thì phải thanh lý hợp đồng.

Tuy nhiên, bỡ ngỡ, thiếu thông tin không phải tình trạng chung của tất cả các công ty chậm lên sàn. Thực tế hiện nay rất nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhiều năm nhưng không đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, cũng như gây bức xúc cho các cổ đông.

Nhìn nhận về câu chuyện trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, hiện nay có hiện tượng nhiều công ty đại chúng cho biết sẵn sàng bỏ tiền nếu bị phạt để trì hoãn việc lên sàn, vì nhiều lý do khác nhau.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian gần đây bộ Tài chính đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay hơn. Cụ thể, bộ Tài chính đã gửi công văn báo cáo Chính phủ đồng thời đề xuất các giải pháp xử lý. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ và bộ Tài chính công khai danh sách các doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng chưa đưa cổ phiếu lên sàn. Như vậy là cơ quan quản lý đã bắt đầu “rút thẻ vàng” đối với các hành vi vi phạm này.

Trước đó, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp (bộ Tài chính) cũng khẳng định, Bộ sẽ đôn đốc UBCKNN áp dụng các chế tài mới tại Nghị định 145/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, để xử phạt các doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn.

Theo ông Tiến, trường hợp các doanh nghiệp có trình đại hội đồng cổ đông thường niên phương án lên sàn, nếu cổ đông đã thông qua mà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chây ì thì bộ Tài chính sẽ áp dụng chế tài xử phạt tiền như quy định tại Nghị định 145/2016. Đồng thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh truy xét trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp này, lãnh đạo cục Tài chính doanh nghiệp nói.

Tăng số lượng công ty đại chúng để lên sàn

Trong số hơn 700 công ty cổ phần hình thành sau cổ phần hóa DNNN đến nay chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán như quy định, có rất nhiều doanh nghiệp chậm lên sàn do chưa đáp ứng tiêu chí là công ty đại chúng (có từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 đồng trở lên).

Từ thực tế đó, bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang tính toán sửa đổi chính sách theo hướng ngay cả những doanh nghiệp chưa phải là công ty đại chúng cũng phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Cụ thể, với các ngành nghề kinh doanh mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, hoặc nắm không chi phối, trong thẩm quyền của mình, bộ Tài chính sẽ đôn đốc, hoặc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ra đại chúng, để gia tăng số lượng cổ đông, cũng như huy động thêm vốn cho doanh nghiệp, qua đó giúp công ty đáp ứng tiêu chí là công ty đại chúng.

Tác giả: Minh Minh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok