Trong tỉnh

Xử lý vi phạm tại Thanh Hóa: Không thể nặng dưới, nhẹ trên

Quan điểm của Đảng ta trong xử lý sai phạm về công tác cán bộ là không có vùng cấm và không có chuyện nặng dưới, nhẹ trên.

Điều này đã được thể hiện khá rõ trong các Nghị quyết gần đây của Trung ương và các quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chính vì thế, việc Sở NN-PTNT Thanh Hóa tiến hành họp kiểm điểm về những vi phạm trong công tác cán bộ, đề ra các hình thức xử lý như báo cáo hôm 5/7 của Sở Nội vụ gửi Chủ tịch UBND tỉnh là thỏa đáng. Cụ thể, tại cuộc họp kiểm điểm hôm 24/6, ông Nguyễn Huy Thành, trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở đã tự nhận hình thức cảnh cáo do các vi phạm khuyết điểm trong vai trò tham mưu, đề xuất việc bổ nhiệm.

Cùng với đó, các cá nhân, tập thể liên quan trong đó có các Phó giám đốc Sở cũng kiểm điểm nghiêm túc. Cuộc họp kiểm điểm kéo dài và có sự chứng kiến của lãnh đạo Sở Nội vụ và Ủy ban kiểm tra Đảng ủy cơ quan Đảng bộ khối các cơ quan cấp tỉnh.

Trong văn bản hôm 5/7, Sở Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đề xuất xử lý trách nhiệm đối với nguyên giám đốc Sở NN-PTNT Lê Như Tuấn.

Ông Lê Như Tuấn (người đang xem điện thoại) trong cuộc đón Bí thư Trịnh Văn Chiến đến thăm một cơ quan trực thuộc Sở

Đề xuất trên của Sở Nội vụ là hoàn toàn xác đáng và đúng vai trò, trách nhiệm. Bởi lẽ, quan điểm xuyên suốt của Đảng và tinh thần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động là không có vùng cấm cho bất cứ ai vi phạm và phải xử lý nghiêm khắc người vi phạm, đặc biệt là người đứng đầu. Do đó, việc cấp dưới của Sở NN-PTNT, trực tiếp là cán bộ tham mưu bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo thì chắc chắn xử lý các vi phạm của người đứng đầu cơ quan Sở NN-PTNT không thể nhẹ hơn với cấp dưới.

Vấn đề lúc này, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cần sáng suốt và thể hiện trách nhiệm trước Đảng để làm trong sạch bộ máy, tăng uy tín cho Đảng bằng việc xử lý nghiêm khắc đối với những vi phạm tại Sở NN-PTNT, đứng đầu là nguyên giám đốc Lê Như Tuấn.

Ở đây, xin nhấn mạnh rằng, cơ sở và hành lang pháp lý để xử lý các vi phạm đối với tập thể, cá nhân và đặc biệt đối với ông Lê Như Tuấn là không thiếu.

Tỉnh ủy Thanh Hóa cần tham chiếu vào Nghị quyết 26 của Trung ương về công tác cán bộ; Nghị quyết 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng và các quy định của Luật cán bộ, công chức viên chức cũng như các quy định hiện hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là khá đầy đủ, chắc chắn.

Việc lúc này là ông Lê Như Tuấn phải thực hiện kiểm điểm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và quyết định kỷ luật hình thức nào thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nhân dân đang chờ đợi một quyết định sáng suốt, trách nhiệm và nghiêm minh từ Thanh Hóa.

Theo quy định tại Điểm 4, Mục 5.III Nghị quyết 26 của Trung ương về công tác cán bộ thì phải: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có "vùng cấm".

Tác giả: VĂN HÙNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok