Ông Lê Như Tuấn nguyên GĐ Sở NN PTNT Thanh Hóa trong một cuộc họp tại Sở |
'Tham mưu cho cấp trên quyết định hoặc cho ý kiến về công tác tổ chức, cán bộ không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền tiêu chuẩn; thiếu trung thực, gương mẫu, biết mình không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng vẫn tìm mọi cách để các cơ quan chức năng tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm đối với mình trái quy định sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức', Quy định 102 của Trung ương về xử lý đảng viên vi phạm nêu rõ.
Việc Sở NN-PTNT Thanh Hóa tiến hành thu hồi các Quyết định bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định nhận được đồng tình của dư luận vì cho rằng, Sở đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Động thái tích cực này cho thấy Sở NN-PTNT đã biết sai thì sửa.
Tại thời điểm này, các tập thể, cá nhân liên quan đến việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ sai quy định tại Sở NN-PTNT Thanh Hóa đang tiến hành kiểm điểm trách nhiệm. Hôm chủ nhật, mặc dù là ngày nghỉ nhưng Sở vẫn tổ chức kiểm điểm. Cuộc họp tạm dừng lúc 18h và hôm qua (25/6), việc kiểm điểm tiếp tục được tiến hành. Trước đó, hôm 20/6, một số tập thể, cá nhân tiến hành kiểm điểm nhưng do làm chưa nghiêm túc nên cấp trên yêu cầu phải làm lại.
Do đó, vấn đề lúc này là kiểm điểm, xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm theo Quy định của Đảng và pháp luật nhà nước đến đâu nếu chiểu theo Quy định 102/QĐ – TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và Nghị quyết 26 của Trung ương về công tác cán bộ?
Với những vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về tài chính và công tác cán bộ ở Sở NN-PTNT Thanh Hóa dưới thời ông Lê Như Tuấn làm giám đốc, chúng tôi xin đề cập đến các căn cứ khi xem xét hành vi vi phạm và các điều khoản gắn liền theo Quy định của Đảng, pháp luật nhà nước.
Căn cứ Thông báo 689 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa; Văn bản ngày 30/5/2018 của Ban Nội chỉnh Tỉnh ủy và Kết luận của ông Võ Duy Sang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy tại buổi làm việc ngày 12/6/2018 với Sở NN-PTNT Thanh Hóa thì việc xử lý tập thể, cá nhân vi phạm về công tác cán bộ có thể dựa trên các quy định của Khoản 2 Điều 11 Quy định 102 của Trung ương “vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ)”.
Cụ thể: a, vì động cơ cá nhân mà điều động… không đúng quy định; đ, thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân mà chỉ đạo… quyết định việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển… không đúng tiêu chuẩn, điều kiện; g, tham mưu cho cấp trên quyết định hoặc cho ý kiến về công tác tổ chức, cán bộ không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền tiêu chuẩn; i, thiếu trung thực, gương mẫu, biết mình không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng vẫn tìm mọi cách để các cơ quan chức năng tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm đối với mình trái quy định.
Ngoài ra, liên quan đến nội dung của Thông báo Kết luận số 689/TB của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phòng chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo tại Sở NN-PTNT có vấn đề liên quan đến khoản tiền để ngoài sổ sách của kế toán, căn cứ Khoản 2 Điều 18 vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (Quy định 102 của Đảng) thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ). Cụ thể, điểm d, vi phạm về báo cáo tài chính không trung thực, để ngoài sổ sách kế toán tài sản của đơn vị kế toán.
Rõ ràng, hành lang pháp lý, quy định của Đảng để xử lý đối với đảng viên vi phạm là hoàn toàn đầy đủ, không thiếu. Vấn đề lúc này là Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo rốt ráo hơn và giao cho Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm để xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; không để tình trạng ưu ái rồi làm trái quy định xảy ra từ Sở này đến Sở khác tại một địa phương đang phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu.
Nghị quyết 26 xử lý cán bộ vi phạm không có vùng cấm Theo quy định tại Điểm 4, Mục 5.III Nghị quyết 26 của Trung ương về công tác cán bộ thì phải: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có "vùng cấm". Xử phạt người trước, răn đe người sau Phát biểu tại hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, ngày 25/6, ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo PCTN Trung ương nhấn mạnh, đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ càng cao càng phải gương mẫu. Ông Trạc cho rằng cần kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội. Xử phạt người trước, răn đe người sau, xử phạt số nhỏ để giáo dục số đông, tuy tố một vụ để cảnh tỉnh cả vùng. Quán triệt và thực hiện phương châm, phòng ngừa giải quyết sớm, "chữa cây bệnh, bỏ cây hỏng" trong kỷ luật của Đảng. |
Tác giả: VĂN HÙNG
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam