Cuộc sống

'Xóm bà đẻ' Sài Gòn, phụ nữ vừa cho con bú, vừa đánh bài

Nghe tên 'Xóm bà đẻ', ai cũng nghĩ, phụ nữ trong xóm sinh nhiều con, nhưng không phải vậy.

Tết, cả xóm ra đường đánh bài

Con đường 44 ngăn cách giữa Tổ dân cư số 1 và Tổ dân cư số 2 của khu phố 1, phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM. Xung quanh con đường này, có tên gọi khác là 'Xóm bà đẻ'.

Nghe cái tên, ai cũng ngỡ, phụ nữ trong xóm đẻ nhiều con, nhưng không phải vậy.

Bà Trần Thị Mười (tên gọi khác là bà Mười Mụ), hiện 73 tuổi, trước đây là nữ hộ sinh của khu vực này dặn: ‘Gặp mấy người trong xóm, phải hỏi cho khéo, đừng nói là Xóm bà đẻ. Họ sẽ phản ứng hoặc không thích’.

Cụ bà kể, quanh khu vực này, trước đây hoang vắng, chủ yếu là đồng lúa và kênh rạch. Người dân trong xóm mưu sinh bằng nghề trồng lúa, chăn nuôi lợn, bò và gà vịt…

'Xóm bà đẻ' Sài Gòn, phụ nữ vừa cho con bú, vừa đánh bài

Bà Trần Thị Mười được nhiều người trong xóm gọi bằng cái tên thân thuộc: bà Mười Mụ. Ảnh: T.A.

Con đường 44 khi đó là đường đất, mưa xuống là lầy lội. Hai bên đường chủ yếu là cánh đóng lúa của người dân.

Khoảng từ ngày 25/12 đến ngày 10/1 hàng năm, việc thu hoạch đã xong hết, cũng là dịp Tết Nguyên đán nên người dân trong xóm kéo nhau ra đường 44 lập nhóm đánh bài. Đàn ông lập một nhóm. Họ mang rượu, đồ nhắm ra, vừa uống vừa đánh bài.

Phụ nữ lập thành nhóm riêng. Mấy người phụ nữ có con nhỏ, mới sinh con, ham vui cũng ra góp vui. Những người không chơi thì ra đứng xem. ‘Hình như cả xóm ai cũng chơi. Lúc đầu, chỉ có mấy người trong xóm chơi với nhau nên không khí rất náo nhiệt’, bà Mười nhớ lại.

Vừa cho con bú, vừa đánh bài

Gia đình ông Lê Văn Nào, Tổ trưởng khu phố 1 là người bản địa của xóm. Trước đây, gia đình ông làm ruộng. Dù không trực tiếp đánh bài, nhưng mấy ngày Tết, rảnh việc, thấy người ta đánh vui ông cũng ra xem.

Ông cho biết, trò đánh bài ở 'Xóm bà đẻ' bắt đầu từ trước năm 1975. ‘Khu vực này ngày trước hoang vắng, cách xa trung tâm thành phố. Tết, chẳng có gì làm, mấy người phụ nữ tụ tập lại đánh bài cho vui’, ông Nào nói.

'Xóm bà đẻ' Sài Gòn, phụ nữ vừa cho con bú, vừa đánh bài

Hiện, con đường 44 được người dân xây nhà ở kín hai bên đường. Ảnh: T.A.

Tiếng đồn vang xa, nhiều người ở các phường Long Trường, Long Thuận, Tân Phú, bên quận 2… cũng đến góp vui. Lúc này, trò đánh bài ở xóm bắt đầu biến tướng.

Người thắng cuộc thì la hét. Người mất tiền thì chửi thề, chửi đổng, ném đồ, đập bàn ghế. Có người bức xúc vì thấy không được đối xử công bằng khi chơi nên gây gổ đánh nhau.

‘Đánh bài mà, phải có người thua, người thắng. Anh có chơi thì phải có chịu. Nếu anh không làm chủ được mình thì rước họa vào thân’, ông Nào nói và cho biết, từ khi trò đánh bài bị biến tướng, tình trạng mất cắp, đánh nhau, gây mất trật tự trong xóm thường xuyên diễn ra.

Giải thích vì sao xóm mình có tên 'Xóm bà đẻ', ông Nào cho biết, do những người ở nơi khác đến xóm chơi trò đỏ đen đặt cho. 'Họ đến chơi, thấy phụ nữ mới sinh vừa cho con bú vừa đánh bài, có người tay trái ôm con, tay phải cầm bài, ngực sữa thấm ướt áo nên gọi vui là 'Xóm bà đẻ'.

Đẻ ở đây là bà đẻ đánh bài chứ không phải sinh nhiều con. Trong sổ hộ khẩu, giấy tờ tùy thân của người dân không có tên đó’, ông Nào giải thích.

'Xóm bà đẻ' Sài Gòn, phụ nữ vừa cho con bú, vừa đánh bài

Ông Nào cho biết, hiện khu phố 1 đạt khu phố văn hóa nên người dân rất có ý thức giữ vệ sinh, giữ trật tự trong khu dân cư. Ảnh: T.A.

Cũng theo ông Nào, dù chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền, họp dân để giải thích về những hệ lụy từ việc đánh bài, nhưng không được. Thậm chí, nhiều lần công an xuống tận nơi bắt tại trận, lập biên bản xử phạt hành chính nhưng đâu lại vào đó. ‘Bị phạt hôm nay, hôm sau họ lại chơi tiếp. Từ chơi công khai họ chơi lén lút’, ông tổ trưởng khu phố 1 nói.

Ông Nào cho biết, việc đánh bài ở xóm chỉ bắt đầu giảm dần từ khi Phú Hữu lên phường. Khi đó, phần lớn đất nông nghiệp được chuyển thành đất thổ cư, các hộ dân bán hết đất ruộng để xây nhà hoặc làm ăn. Cho đến Tết năm 2018 thì trình trạng đánh bài dứt hẳn.

Hiện đường 44 đã được đổ bê tông. Hai bên đường đất được phân lô bán nền, nhà cửa mọc lên san sát. Điều đặc biệt, con đường này khá sạch sẽ. Từ đầu đường đến cuối đường rác thải được dọn sạch.

Ông Nào cho biết, hiện nay, khu phố 1 đã là khu phố văn hóa, vì thế, việc đánh bài đã chấm dứt hoàn toàn. Người dân trong xóm đã tu chí làm ăn, đời sống người dân cũng cải thiện hơn. Phần đất ruộng trước đây đã thành đất thổ cư, đang được phân lô bán nền. Những khu dân cư mới đang dần hình thành. Ngày Tết, họ giải trí bằng cách đi du lịch, hỏi thăm nhau.

'Tết vừa rồi, việc đánh bài chấm dứt hoàn toàn. Việc mất cắp trong xóm cũng không còn nữa. Điều này là niềm tự hào của tôi và những người làm công tác xã hội của địa phương', ông Nào nói.

Bà Lê Thị Thúy Hương, cán bộ văn phòng thống kê phường Phú Hữu cũng cho biết, 'xóm bà đẻ' trước đây khá phức tạp. 'Tết là đàn ông đánh bài. Phụ nữ vừa cho con bú vừa đánh bài. Nhưng giờ thì dứt được tình trạng này rồi', bà Hương nói.

Theo bà Hương, xóm được yên bình như hiện nay là có công rất lớn từ công an khu vực, tổ trưởng khu phố và các ban ngành khác. 'Phường phải lập đoàn xuống tận nơi để giải thích, truyên tuyền và phân tích cho người dân hiểu tác hại của đánh bài. Sau đó, phát hiện họ đánh, bài công an quyết định bắt giam một vài trường hợp để răn đe. Từ từ, người trong xóm họ cũng chấp hành. Đến nay thì dứt hoàn toàn', bà Hương nói.

Tác giả: Tú Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok