Tủi thân người phụ nữ mắc bệnh ung thư nằm viện một mình không người chăm sóc
Trụ cột gia đình mắc bệnh ung thư
Giữa cái nắng như thiêu như đốt của miền Trung những ngày qua, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng - nơi chị Nguyễn Thị Bình (sinh 1974, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đang chữa bệnh tại đây. Dù đang nằm viện để điều trị căn bệnh ung thư nhưng chị Bình chỉ có một mình, không có người thân chăm sóc.
Có lẽ chị Bình cũng là số ít bệnh nhân phải điều trị căn bệnh ung thư dai dẳng đến thế, hiện chị đã phải 5 lần nhập viện để chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác này.
Chị Bình đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng
Vợ chồng chị có hai đứa con gái, cháu lớn năm nay lên lớp 12, cháu nhỏ năm nay lên lớp 11. Chồng chị là anh Lâm Xuân Mầu (sinh 1968) bị tật chân trái từ nhỏ nên đi lại khó khăn, đi xe máy phải đi xe ba bánh.
Trước anh Mầu làm nghề thợ may tại nhà nhưng ở quê ít người may nên cũng chẳng kiếm được là bao. Vì thế, gánh nặng gia đình chủ yếu do chị Bình gánh vác. Chị Bình đi làm thuê, ai thuê gì chị làm nấy kiếm mỗi ngày vài ba trăm ngàn đồng. Khi chị đi bốc vác, khi đi vặt lá dứa… Công việc thường cực nhọc, vất vả, đi sớm về khuya nhưng cũng còn được dăm ba chục ngàn để lo miếng ăn cho gia đình qua ngày.
Nhà neo người nên dù đang điều trị căn bệnh ung thư tại bệnh viện, chị Bình cũng chỉ có một mình
Năm 2018, chị Bình thấy xuất hiện cục hạch bên má phải nên đến bệnh viện huyện khám. Bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh viêm chân răng và kê thuốc cho uống nhưng mãi 2 tháng trời vẫn không đỡ.
Chị quyết định dời nhà từ Quảng Nam để bệnh viện tại TP Đà Nẵng để khám. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ thông báo chị mắc căn bệnh ung thư.
"Lúc nghe bác sĩ thông báo, chân tay tôi rụng rời đứng không nổi, mặt không cắt được giọt máu. Ra lấy xe về nhưng chạy xe không được đành phải gọi điện nhờ người làm cùng đến chở về", chị Bình nhớ lại cảm giác lúc đấy.
Về nhà, chồng con, anh em, bà con hàng xóm ai cũng xúm vào động viên cố gắng điều trị. Nghĩ đến các con chị Bình dặn lòng, dặn bản thân mình phải cố gắng điều trị để các con còn có mẹ.
Tủi thân vì nằm viện một mình
Đợt điều trị đầu tiên, chị nằm viện 4 tháng nhưng chồng con cũng chỉ thay phiên nhau chăm chị được một tháng.
"Chồng tôi bị tật chân trái từ nhỏ, đi lại khó khăn, không thể leo cầu thang được. Các cháu thì cũng phải đi học, không thể nghỉ nhiều. Vì thế, hầu như tôi phải tự chăm sóc bản thân và nhờ người nhà của các bệnh nhân giường bên cạnh. Hoặc khi nào đau quá, sốt thì nhờ người gọi bác sĩ, điều dưỡng", chị Bình nói.
Nghĩ đến chuyện không có người thân bên cạnh những lúc đau đớn do bệnh tật, chị Bình lại tủi thân
Thương con gái, nên dù đã gần 70 tuổi, mẹ chị ở ngoài Bắc cũng lặn lội vào trong này để chăm chị được một thời gian rồi bà trở lại Bắc để tiếp tục cuộc sống.
“Nhà neo người nên bản thân mình phải gắng gượng tự lo cho bản thân chứ người bệnh thì ai cũng muốn có người thân bên cạnh chăm sóc, đỡ đần. Tủi thân nhất là những đợt xạ trị, đau đớn vô cùng, đi không được phải bò vào nhà vệ sinh. Có khi đau quá, không đi mua cháo được là hôm đó nhịn luôn”, chị Bình vừa kể vừa lấy tay quẹt nước mắt.
Nhiều lúc chị cũng muốn bỏ xạ trị, nghĩ đến cái chết nhưng nghĩ đến các con, con lại phải tiếp tục điều trị.
Đợt nằm viện này, sức khỏe của chị Bình đã khá lên nhiều, có thể tự lo cho mình nhưng nếu có người nhà thì vẫn hơn. Nhắc đến chuyện những lần nằm viện, chị lại khóc
Hai đứa con gái chị, đứa nào học cũng giỏi, bao nhiêu năm nay, chị cố gắng làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi các con ăn học: “Chúng nó học được nên cố gắng để cho chúng nó kiếm cái chữ, mai mốt có việc làm cho đỡ cực. Giá như chúng nó đã có công ăn việc làm thì tôi có đi cũng không tiếc nuối gì, đằng này chúng còn chưa học xong cấp 3”.
Đợt nằm viện này, người nhà đưa chị ra nhập viện rồi về, còn một mình chị ở lại tự lo cho bản thân.
Đơn xác nhận của UBMTTQVN xã Đại Lãnh về hoàn cảnh gia đình chị Bình
“Đợt này tôi cũng khỏe lên nhiều nên tự lo cho bản thân được. Nếu có người thân thì vẫn tốt hơn nhưng nhà mình neo người nên mình phải cố gắng thôi”, chị Bình nói vậy nhưng vẫn rơm rớm nước mắt.
Chị cho biết, chị bị bệnh nên không có người làm, chồng chị may đồ cũng chỉ kiếm được mấy đồng bạc nên đợt vừa rồi anh Mầu nghỉ may ra Đà Nẵng bán vé số.
Không có tiền đặt cọc trong viện, anh Mầu phải lấy sổ đỏ của gia đình ra để thế chấp cho đại lý bán vé số. Tuy nhiên, do bị tật ở chân nên công việc bán vé số cũng khá nhiều vất vả.
“Bán vé số phải đi nhiều tôi đi không được nên mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 100 ngàn đồng thôi”, anh Mầu chia sẻ.
Hiện nay, anh Mầu đã nghỉ công việc bán vé số để xin việc vào công ty may. Tuy nhiên, anh cũng lo lắng, với căn bệnh trĩ của mình khó có thể gắn bó được với công việc này lâu dài.
Còn hai cô con gái, dù đang nghỉ hè nhưng cũng đang đi bọc sách vở cho cửa hàng sách vở để kiếm tiền học cho năm học mới.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thanh (Khoa Xạ trị, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng) cho biết, chị Bình bị bệnh ung thư tam giác hậu hàm bên phải (ung thư khoang miệng) giai đoạn 4A , xâm lấn lên xoang hàm trên. Bệnh nhân được điều trị hóa xạ trị đồng thời hồi 8/2018.
Sau điều trị, bệnh tại chỗ đã ổn, tuy nhiên, có một dịch màng chưa rõ nguyên nhân. Hiện các bác sĩ đang làm xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân.
Bác sĩ Trần Thị Thanh cho hay, bệnh nhân Bình có bảo hiểm y tế hộ nghèo nên không phải thanh toán tiền viện phí.
Tuy nhiên, theo chị Bình, cũng có những loại thuốc nằm ngoài danh mục bảo hiểm y tế mà chị phải chị trả. Thêm vào đó, chị là trụ cột của gia đình, giờ bệnh tật không làm được cũng khiến gia đình vô cùng khó khăn. Do không có tiền nên những ngày nằm viện, chị xin cháo từ thiện để ăn chứ cũng không tiền mua sữa bồi bổ thêm.
Khi chị phát bệnh, anh em, bà con hàng xóm, chính quyền địa phương… có hỗ trợ cho gia đình chị mỗi người, mỗi cơ quan một ít để chị có tiền nằm viện và hai con ăn học.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Mã số 3408: anh Lâm Xuân Mầu, trú thôn Tân An, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ĐT: 0354262001 |
Tác giả: Khánh Hồng
Nguồn tin: Báo Dân trí