Trong tỉnh

Xã, huyện 'đá' nhau, dân mòn mỏi chờ hỗ trợ nhà sập trong siêu bão

Bốn hộ dân ở thôn Cầu Hoà (xã Cầu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) bị sập nhà do cơn bão số 10 (9/2017) đến nay đã gần 6 tháng mà vẫn không được nhận tiền hỗ trợ.

XEM CLIP:

Theo phản ánh của bà Trương Thị Xòe, gia đình bà xây nhà ở khu vực chân núi Mẻo (thôn Cầu Hòa) từ những năm 1980. Sau này các con của bà gồm: Phạm Văn Long, Phạm Thị Tuyết và Phạm Văn Phong cũng được chia đất ở khu vực này để xây nhà.

Cơn bão số 10 ập đến đã làm một lượng đất đá trên núi Mẻo sạt lở vào 4 hộ khiến nhà anh Long, chị Tuyết bị sập hoàn toàn, nhà bà Xòe và anh Phong bị sập bếp và tường rào.

6 tháng trôi qua, 4 hộ dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ nhà sập

Chị Tuyết cho biết, sạt lở đất đã vùi lấp một ngôi nhà cấp 4 rộng 45m2; nhà bếp, chuồng bò rộng 30m2; 1,2 tấn lúa. Các vật dụng, đồ sinh hoạt trong gia đình cũng bị đất đá đè bẹp.Ước tính thiệt hại lên đến gần 100 triệu đồng.

Theo chị Tuyết, do DN khai thác mỏ đất không đúng thiết kế, dạng hầm ếch, thiếu an toàn khiến hàng trăm khối đất đá bị sạt lở.

“Rất may núi Mẻo bị sụt lở vào ban ngày, người lớn đi làm hết, trẻ nhỏ đi học nên không có thương vong”, chị Tuyết nói.

Bà Xòe bức xúc vì 4 gia đình mẹ con bà không được hỗ trợ

Cũng như nhà chị Tuyết, nhà anh Long bị sập, hư hại tài sản, ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

"Hiện mấy mẹ con, bà cháu chúng tôi đang phải ở tạm bợ. Mới đây cháu Tuyết làm lại nhà để ở trên nền móng cũ (khu vực sạt lở) thì xã cho người xuống phá với lý do đất xây dựng trái phép, trong khu vực sạt lở, nguy hiểm”, bà Xòe phân trần.

Xã nói một đường, huyện một nẻo?

Ông Đỗ Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc thừa nhận, 4 hộ gia đình nói trên bị ảnh hưởng do thiên tai sập hết nhà cửa nhưng không được hỗ trợ.

Ông Đỗ Văn Tám trao đổi với PV

Ông Tám cho biết, đất của gia đình bà Xòe cũng như 3 người con được xây dựng từ những năm 1980, không tranh chấp. Tuy nhiên đất này là đất người dân tự ý xây dựng, xã không cấp đất ở.

“Khi xảy ra sự việc, xã cũng đã báo cáo huyện, sau đó kèm theo văn bản và danh sách. Sau khi tiếp nhận văn bản, anh Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc còn gọi điện thoại trực tiếp về cho tôi hỏi về nguồn gốc đất của mấy hộ trên. Tôi trả lời, đất xây dựng trái phép từ những năm 1980, xã không cấp. Rồi từ đó đến nay không thấy các hộ này được hỗ trợ gì cả”, ông Tám nói.

Trái ngược lời ông Tám, ông Hoàng Quốc Hà, Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Hậu Lộc lại cho rằng, Phòng không hề nhận được đề nghị hay văn bản thống kê thiệt hại nào từ UBND xã Cầu Lộc.

Trong lúc xã huyện đang đổ lỗi cho nhau, các hộ dân vẫn đang sống trong cảnh tạm bợ

Theo ông Hà, sau khi xảy ra sự việc, xã không báo cáo những hộ này lên huyện. Bằng kênh riêng, cán bộ Phòng đã nắm bắt được thông tin, ngay lập tức đã hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi gia đình bị thiệt hại và cung cấp lương thực tại chỗ.

“Ngay sau đó, UBND huyện có cuộc họp với các xã để triển khai thống kê tình hình thiệt hại do thiên tai. Đích thân tôi đã nhắc nhở trong cuộc họp, yêu cầu chủ tịch các xã về lập danh sách những hộ bị thiệt hại và làm tờ trình gửi về huyện.

Tuy nhiên xã Cầu Lộc không làm nên Phòng không thể có cơ sở để làm hồ sơ hỗ trợ được. Vấn đề này trách nhiệm chính là từ dưới xã”, ông Hà quả quyết.

Vị trưởng phòng nói thêm, Phòng LĐ-TBXH sẽ tham mưu cho Chủ tịch huyện xem xét lại vụ việc, ai sai tới đâu xử lý tới đó. Phòng sai cũng sẽ chịu trách nhiệm trước chủ tịch. Quan điểm của phòng là vấn đề an sinh xã hội phải được quan tâm hàng đầu”, ông Hà nói.

Tác giả: Lê Dương

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: huyện , , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok