Sống chung với ô nhiễm
Hải Thanh có diện tích 293,98 ha, dân số 19.000 người, toàn xã có tới 06 nhà máy chế biến bột cá, 20 xưởng cá hấp, 100 hộ gia đình làm nước mắm.
Với nhiều cơ sở, hộ gia đình sản xuất chế biến hải sản như vậy, nên mới đặt chân đến đầu làng, phóng viên đã ngửi thấy mùi hôi rất khó chịu phảng phất đâu đây. Đi từ đầu làng đến cuối làng, phóng viên thấy nước thải đen đặc bốc mùi hôi thối theo cống, mương chảy tràn ra đường giao thông.
Nước thải qua ống cống xả thải thẳng ra biển |
Ông Nguyễn Văn M, một người dân trong xã cho biết, mùi thối này là từ xác cá chết trộn lẫn với mùi nước thải thành cái mùi đặc trưng của cái làng này. Nhiều lúc, quần áo giặt thơm tho, phơi khô ngoài dây, đến lúc lấy mặc đã ngửi thấy mùi… mắm tôm.
Khi phóng viên hỏi: ô nhiễm thế sao các anh không có ý kiến gì? Không dám đâu anh ơi, nếu phản ánh, xã biết được sẽ gây khó khăn cho chúng tôi như khi xin chứng thực, ký tá, đóng dấu.v.v…ông M trả lời.
Chất thải bẩn chảy tràn ra lòng đường giao thông |
Đem vấn đề ô nhiễm trao đổi với lãnh đạo xã Hải Thanh, ông Đỗ Xuân Chung, chủ tịch UBND xã cho biết: Năm nay mất mùa cá nên ô nhiễm cũng đỡ hơn mọi năm. Ông Chung thừa nhận, mùi thối là do xuất phát từ các cơ sở chế biến hải sản như bột cá, cá hấp, mòi hấp, mực hấp, mắm tôm, nước mắm. Ở Hải Thanh, có thể nói nhà nhà đánh bắt hải sản, người người chế biến hải sản, vì vậy không ô nhiễm mới là chuyện lạ, còn ô nhiễm có thể coi là “chuyện thường ngày ở…xã”. Ngành nghề chính ở địa phương là đánh bắt, thu mua, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ông Chung chia sẻ thêm: “Hệ thống nước thải từ các cơ sở sản xuất, chế biến hải sản nơi đây do dân tự xây dựng trong khuôn viên của cơ sở sản xuất, sau đó thải ra môi trường, theo các hệ thống mương, cống thoát nước của đường giao thông chảy ra cửa biển Lạch Vạn. Nước thải đó chưa đủ tiêu chuẩn để xả ra môi trường”, ông Chung khẳng định. Khi PV hỏi, ô nhiễm thế này, nước thải chưa đạt yêu cầu đã xả vô tội vạ ra biển, các cấp, các ngành của huyện và tỉnh Thanh Hóa có biết không. Ông Chung trả lời: “Biết hết cả, thực tế Hải Thanh là một trong sáu xã ô nhiễm nhất tỉnh Thanh Hóa mà anh”.
Ông Đỗ Xuân Chung – Chủ tịch UBND xã Hải Thanh (bên trái) và công chức môi trường trao đổi với phóng viên |
Thế nhưng, khác với sự sốt sắng nhiệt tình của cấp xã, lãnh đạo cấp huyện lại có vẻ thờ ơ, bàng quan với nỗi thống khổ của người dân. Khi PV gọi điện cho ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia đề nghị gặp ông để trao đổi và tìm hiểu về trách nhiệm của lãnh đạo huyện như thế nào đối với vấn đề ô nhiễm làng nghề xã Hải Thanh. Ông Dũng nói qua điện thoại, “tôi bận lắm, không gặp được, có gì thắc mắc, anh cứ ghi ra giấy rồi gửi qua văn thư nhé”. Phóng viên đề nghị ông Dũng bố trí Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện làm việc với PV cũng được, tuy nhiên, ông Dũng lại liến thoắng, “thôi anh cứ gửi qua văn thư đi”. Không hiểu vì lý do gì mà chủ tịch huyện lại không muốn Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường gặp nhà báo, mặc dù lúc đó vị Trưởng phòng TN&MT vẫn ngồi trong phòng làm việc?
Trách nhiệm thuộc về ai
Được biết, hiện nay Hải Thanh đã xây dựng được một khu xử lý nước thải tập trung tại khu Tiểu thủ công nghiệp Bắc Cảng cá với kinh phí 1,2 tỷ đồng, công suất 200 m3 nước thải/ ngày. Tuy nhiên, với công suất đó thì không đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải của địa phương.
Nước thải đem ngòm, bốc mùi hôi thối không được xử lý chảy qua hệ thống thoát nước dẫn ra biển |
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng đó, lãnh đạo xã Hải Thanh đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Thanh Hóa ưu tiên thêm một số dự án xử lý ô nhiễm nước thải và mùi hôi tại các khu tập trung. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến hải sản đang hoạt động tại xã.
Vậy, nguyên nhân tại sao tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm tại xã Hải Thanh mà không được xử lý dứt điểm. Trách nhiệm của UBND huyện Tĩnh Gia và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa trong vấn đề này? Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc
Tác giả: Kế Hùng
Nguồn tin: Báo Môi trường và Cuộc sống